Ảnh hưởng từ vụ bê bối nghe lén của Mỹ tiếp tục lan rộng, khi có thêm nhiều đồng minh châu Âu có tên trong danh sách theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Từng thừa nhận chương trình nghe lén làm gia tăng căng thẳng chưa từng có giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, song trong tuyên bố mới nhất hôm 29/10, giới chức Mỹ lên tiếng bảo vệ chương trình do thám này. Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Keith Alexander lên tiếng bác bỏ những thông tin từ giới truyền thông Pháp, Tây Ban Nha và Italy về hoạt động nghe lén hàng triệu cuộc điện thoại của công dân các nước này.

Italy là nước châu Âu mới nhất có tên trong danh sách nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Theo các hãng truyền thông quốc tế, các cuộc đàm thoại của người dân Italy đều bị an ninh Mỹ theo dõi. Kênh truyền hình RT của Nga cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ thu thập dữ liệu của khoảng 46 triệu cuộc điện thoại tại Italy từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013.

cong%20dong%20tinh%20bao%20my.jpg
Cộng đồng tình báo Mỹ (ảnh: patdollard)

Báo chí trong nước của Italy cũng đưa tin, hệ thống thông tin tại nước này bị Mỹ theo dõi bao gồm điện thoại của văn phòng các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp. Thủ tướng Italy Enrico Letta lên án hành động do thám của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh đây là điều “không thể tin được” và “không thể chấp nhận được”.

Bất chấp những căng thẳng ngoại giao chưa từng có và những chỉ trích mạnh mẽ từ những đồng minh truyền thống châu Âu, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Keith Alexander lên tiếng bảo vệ chương trình do thám "tai tiếng” này. Ông Alexander khẳng định, hoạt động do thám được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước những mối đe dọa an ninh. Chương trình do thám được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ. Những thông tin từ các cơ quan báo chí Pháp, Tây Ban Nha và Italy nói rằng, Mỹ theo dõi điện thoại của hàng triệu người dân các nước này là "sai sự thật”.

“Báo chí các nước đã công bố những bằng chứng bị đánh cắp, mà ngay cả báo chí và người tiết lộ đều không hiểu rõ những tài liệu này,” ông Alexander nói. “Những dữ liệu chúng tôi có được gồm cả những thông tin được thu thập hợp pháp và do các đối tác nước ngoài cung cấp. Đây là thông tin mà Mỹ và các đồng minh NATO thu thập để bảo vệ các quốc gia trong khối và hỗ trợ cho các hoạt động quân sự”.

Đây là nội dung mà Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đưa ra trong buổi giải trình trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện. Trước đó, ông Keith Alexander đã làm việc với các thành viên Nghị viện châu Âu về vụ bê bối nghe lén này.

Bất chấp những lý lẽ biện minh của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại tại Nghị viện châu Âu, ông Elmar Brok, nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận những hành động do thám nhằm vào đồng minh. Hoạt động gián điệp được thực hiện thông qua các đại sứ quán sẽ là nhằm vào nhà lãnh đạo và hệ thống chính trị. Do đó mọi hoạt động như vậy phải được các nước thống nhất. Việc theo dõi công dân đã là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ không cảm thấy thoải mái và không muốn tiếp tục quan hệ đồng minh khi mà luôn bị theo dõi”.

Đại diện của Anh tại Nghị viện châu Âu, ông Claude Moraes, người đứng đầu đoàn tại biểu Ủy ban tự do dân sự cũng gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ: “Việc các đồng minh do thám lẫn nhau là điều không thể bỏ qua được. Không thể biện minh rằng hoạt động tình báo vẫn luôn tồn tại, nên nó sẽ tiếp tục tồn tại. Thay vào đó, chúng ta cần một tiêu chuẩn chung về tình báo có thể tin cậy được và phải minh bạch”.

Vụ việc gây "sốc" nhất trong bê bối nghe lén của Mỹ chính là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel bị theo dõi điện thoại, vốn buộc Nhà Trắng phải cam kết thay đổi chính sách hoạt động của các chương trình tình báo hiện nay. Chính phủ Mỹ thậm chí đã thừa nhận rằng, có thể chương trình giám sát này đã đi quá xa.

Dù có biện minh thế nào, làn sóng phản đối chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ từ trong nước và nước ngoài tiếp tục gia tăng, làm dấy lên "sóng gió" ngoại giao chưa từng có trong mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới./.