Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Irelandn Simon Coveney đã cố gắng trấn an các công dân châu Âu rằng các sản phẩm từ thịt ngựa không gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cam kết các biện pháp sẽ được tiến hành nhằm đảm bảo vụ việc này không tái diễn.
Ông Simon Coveney nói: “Vào thời điểm này thì đây là vấn đề về gian lận trong dán nhãn sản phẩm. Một nhà sản xuất nào đó trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã bán các sản phẩm thịt ngựa được dán nhãn là thịt bò và kiếm lợi nhuận bằng việc làm gian lận này. Và kết quả là những người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mà họ nghĩ là thịt bò nhưng thực chất lại là thịt ngựa. Việc này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Các hệ thống kiểm soát hiện đang làm việc và chúng tôi cũng cần phải tìm ra người chịu trách nhiệm trong vấn đề này, cần phải tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo việc này sẽ không lặp lại”.
Trong khi đó, Uỷ viên Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề y tế Tonio Borg cho rằng đây là một vụ gian lận cố ý dán nhãn sai để kiếm lợi. Ông Tonio Borg cũng công bố đề xuất tiến hành một cuộc thử nghiệm qui mô lớn trong toàn Liên minh châu Âu. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU đề xuất các cuộc kiểm tra trong khoảng thời gian 1 tháng đối với các sản phẩm thịt bò được sản xuất tại các quốc gia trong khu vực và dự kiến kết quả kiểm tra sẽ được công bố sau đó. Giai đoạn tiếp theo của cuộc kiểm tra này có thể sẽ được tiến hành trong vòng 3 tháng. Các Bộ trưởng EU sẽ tiến hành bỏ phiếu về đề xuất giải pháp này vào ngày mai (15/2). Uỷ ban châu Âu cũng khuyến nghị tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc thú y có trong thịt ngựa có khả năng gây hại đối với sức khỏe con người.
Ông Tonio Borg nói: “Cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy vấn đề này có liên quan đến an toàn thực phẩm. Do vậy chúng tôi cho rằng đây chỉ là một vụ gian lận, một vụ gian lận nhằm kiếm lợi chứ không phải là do cẩu thả. Cơ quan cảnh sát châu Âu sẽ phối hợp điều tra vụ việc này”.
Dự kiến các nhà chức trách sẽ đưa ra một báo cáo về vấn đề này trong ngày hôm nay, trong đó công bố chi tiết thêm các thông tin về nguồn gốc của việc dán nhãn gian lận này. Hiện có 2 lò mổ của Romania bị tình nghi có liên can tới vụ bê bối thịt ngựa song Bộ trưởng Nông nghiệp Romania Daniel Constantin khẳng định nước này không nằm trong danh sách có liên quan đến vụ gian lận này. Trong khi đó Thứ trưởng Bộ tiêu dùng Pháp Benoit Hamon thừa nhận rằng Pháp có liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm thịt ngựa có dán nhãn thịt bò này.
Vụ bê bối bị phanh phui khi một số sản phẩm chứa thịt bò được bày bán ở châu Âu bị phát hiện có pha trộn thịt ngựa mặc dù bên ngoài nhãn đề là 100% thịt bò. Các sản phẩm này được bày bán ở Thụy Điển, Anh và Pháp. Một cuộc điều tra ban đầu do giới chức Pháp tiến hành cho thấy một công ty của Pháp đã mua thịt đông lạnh từ một nhà cung cấp ở đảo Ciprus. Nhà cung cấp này mua thịt từ một công ty thực phẩm Hà Lan và công ty Hà Lan lại mua thịt từ 2 lò mổ ở Romania./.