Đại diện các nước châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran (tức E3), gồm Anh, Pháp, Đức đã về nước để báo cáo bộ trưởng, khẳng định các bên đang rất gần với thỏa thuận.

Một cuộc gặp cấp bộ trưởng tại Vienna, Áo đang rất được kỳ vọng, bởi đó có thể là thời điểm các bên ký kết thỏa thuận để hồi sinh Kế hoạch Hành động chung Toàn diện, thường được gọi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Đặc phái viên Nga tham gia tiến trình đàm phán - Mikhail Ulyanov cho biết:  “Tôi tin rằng cuộc họp cấp bộ trưởng sẽ diễn ra, nhưng về thời gian vẫn chưa được quyết định. Hiện vẫn còn có một số việc cần phải sẽ được hoàn thiện trước cuộc họp này. Những vấn đề tồn đọng đó tương đối nhỏ so với tổng thể các vấn đề đã được thống nhất. Chúng ta hãy chờ xem, nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng ta đang ở rất gần vạch đích.”

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết, các nước phương Tây đang vội vàng để đạt được thoả thuận hạt nhân, song Iran sẽ không vượt qua “lằn ranh đỏ” của mình, trong đó bao gồm các đảm bảo kinh tế cho Iran. Theo ông, chỉ khi các ranh giới đỏ của Iran được đáp ứng, ông mới sẵn sàng tới Vienna, Áo để thực hiện cuộc họp cấp bộ trưởng.

Trong số “lằn ranh đỏ” ấy, bao gồm cả việc Iran yêu cầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAEA phải dừng ngay các câu hỏi liên quan đến dấu vết urani được phát hiện tại các cơ sở hạt nhân cũ của Iran chưa được khai báo. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Iran ngày hôm qua, dù nhận định đã có các cuộc đàm phán hữu ích và hai bên đang tiến tới “một mối quan hệ mang tính hợp tác hơn”, song Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi thừa nhận, vẫn còn những khó khăn; và vấn đề dấu vết Urani được đặt mục tiêu giải quyết xong trước tháng 6 tới – tức vẫn cần thêm khá nhiều thời gian.

“Cho đến khi chúng tôi có tất cả năng lực và khả năng mà chúng tôi tin rằng mình cần phải có, thì hiện tại chúng tôi vẫn đang ở tình thế rất khó khăn. Nhưng, điều tôi muốn nói ở đây, là tình hình có nhiều biến chuyển. Có thể sẽ có sự dàn xếp tốt hơn. Tôi hy vọng chúng tôi đang tiến tới một mối quan hệ hợp tác hơn.”

Thêm vào đó, một trở ngại mới vừa phát sinh – đó là việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã yêu cầu một văn bản từ Mỹ, để đảm bảo rằng bất kỳ mối quan hệ thương mại-kinh tế và đầu tư nào giữa Nga và Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Nga hiện nay, dựa theo Thỏa thuận hạt nhân. Theo một nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự, rằng các công ty của Trung Quốc đang làm ăn tại Iran sẽ không bị trừng phạt.

Theo giới phân tích, dù các bên đều muốn đảm bảo lợi ích của mình, song những vẫn đề tồn đọng cũ chưa được giải quyết, cùng các yêu cầu mới của Nga và Trung Quốc, vẫn có thể sẽ cản trở việc các bên đạt được thỏa thuận và mọi nỗ lực đàm phán trong suốt 11 tháng qua về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran có thể “xôi hỏng, bỏng không”. Tuy nhiên, thế giới luôn kỳ vọng điều ngược lại sẽ xảy ra, rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ được hồi sinh; vùng Vịnh – Trung Đông sẽ bớt đi một căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và thị trường dầu mỏ thế giới có thể nhộn nhịp hơn với sự trở lại của nước này sau khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ./.