Nhóm họp cuối tuần này tại thủ đô Rome, Italy, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) sẽ phải thiết lập được các cơ chế toàn cầu mới để đưa thế giới vượt qua cơn bão Covid-19, cũng như đối phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày rõ những mắt xích yếu trong hợp tác quốc tế.
Hơn 100 nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo, bộ trưởng của các chính phủ trên khắp thế giới hôm qua (28/10) đã gửi thư kêu gọi lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu “không trốn tránh trách nhiệm”. Bức thư nêu rõ, đại dịch tiếp theo có thể ập đến bất cứ lúc nào khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị và thậm chí là ngay khi thế giới vẫn đang phải vật lộn với Covid-19.
Trong số những người ký tên có Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hay cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown. Một trong những đề xuất đưa ra là G20 nên thành lập một hội đồng thường trực để tập hợp các bộ trưởng y tế và tài chính với nhiệm vụ tìm kiến nguồn tài chính cần thiết để đối phó với đại dịch trong tương lai.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự mất lòng tin sâu sắc trong các thể chế toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực ít được tiếp cận với vaccine. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, nếu không đảo ngược được sự thiếu hụt lòng tin này, hậu quả là không thể đo đếm, gây khó khăn cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, các đại dịch trong tương lai hay những vấn đề khác trong một thế giới đầy thách thức.
“Cùng với nhau, G20 có khả năng thực hiện các cam kết chính trị và tài chính cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Chúng ta đang ở một thời điểm quyết định, đòi hỏi sự lãnh đạo quyết đoán để làm cho thế giới an toàn hơn.”
Mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới là 40% dân số thế giới được tiêm chủng vào cuối năm nay. Song sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine đã gây ra tình trạng “người ăn không hết kẻ lần không ra”. Trong khi một số quốc gia như Mỹ, các nước Liên minh châu Âu, Anh hay Canada dự kiến sẽ có khoảng 240 triệu liều vaccine dư thừa vào cuối tháng này, thì nhiều nước, đặc biệt tại châu Phi, vẫn phải chông trờ để nhận được liều thuốc cứu sinh. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng bất bình đẳng về vaccine cũng là một mối đe dọa toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G20 phải có trách nhiệm huy động các nguồn lực và biến chiến lược tiêm chủng toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới thành hiện thực.
“Từ lâu, tôi đã thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng toàn cầu để mọi người ở mọi nơi có thể tiếp cận được với vaccine. Sự bất bình đẳng về vaccine đang tạo cơ hội cho các biến thể phát triển và lây lan, khiến thế giới thêm hàng triệu ca tử vong và kéo dài sự suy giảm kinh tế có thể tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD.”
Sẽ là một sự so sánh khập khiễng nếu nói về tác động của đại dịch Covid-19 với những khủng hoảng tài chính mà thế giới từng trải qua. Song thực tế là sau gần 2 năm “vật lộn” với dịch bệnh, thế giới vẫn trong vòng luẩn quẩn “phong tỏa- nới lỏng” và những tác động về kinh tế ngày một thấy rõ. Trong thời điểm đầy khó khăn này, dư luận kỳ vọng rằng, G20, vốn chiếm 80% thương mại toàn cầu và bao quát 2/3 dân số thế giới sẽ có những hành động “tiếp thêm năng lượng” để thế giới vượt bão Covid-19 sớm nhất có thể và khôi phục nền kinh tế cũng đang điêu đứng vì dịch bệnh./.