EU thông báo một gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD) nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế-xã hội và nhân đạo tại Afghanistan cũng như hỗ trợ cho các quốc gia láng giềng. Hàn Quốc cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afghanistan trong 20 năm tới. Nhật Bản cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm nay. Đây là hàng loạt những cam kết lớn đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tài trợ cho Afghanistan diễn ra hôm qua do Thủ tướng Italia - Mario Draghi chủ trì.
Hội nghị khẩn cấp của G20 về khủng hoảng Afghanistan được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi quốc gia Tây Nam Á này đang đứng trước bờ vực thẳm của một cuộc khủng hoảng kép kinh tế và nhân đạo.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh: “Với việc tài sản bị đóng băng và viện trợ phát triển bị tạm dừng, nền kinh tế Afghanistan đang suy thoái, các ngân hàng đóng cửa và các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, đã bị dừng lại ở nhiều nơi. Chúng ta cần tìm cách hồi sinh nền kinh tế quốc gia này. Điều này có thể được thực hiện mà không vi phạm luật pháp quốc tế hoặc các nguyên tắc thỏa hiệp. Tôi kêu gọi thế giới hành động và bơm thanh khoản vào nền kinh tế Afghanistan để tránh sụp đổ”.
Để đảm bảo các nguồn tài trợ này không làm lợi cho chính quyền Taliban, các nhà lãnh đạo G20 cũng tái khẳng định cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan thông qua các tổ chức quốc tế độc lập, đang làm việc tại thực địa, không chuyển qua chính phủ lâm thời của Taliban.
Với khẳng định, Taliban mới có thể ngăn được Afghanistan không rơi xuống vực thẳm, bên cạnh việc hỗ trợ kinh tế, các cuộc tiếp xúc cũng đang tích cực diễn ra giữa đại diện các nước và chính quyền Taliban. Tuy nhiên, Thủ tướng Italia - Mario Draghi khẳng định, điều đó không có nghĩa là các nước công nhận chính phủ mới tại Afghanistan. Sự công nhận phải dựa vào các bước đi thực sự của Taliban thực hiện các cam kết đã đưa ra.
Thủ tướng Mario Draghi cho biết: “Ưu tiên hiện nay là phải tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan. Điều đó khiến chúng tôi phải hợp tác với chính quyền mới. Điều này không có nghĩa là công nhận. Sự công nhận phải được thực hiện dựa trên hành động của Taliban, trước hết là quyền phụ nữ và các quốc gia G20 đều công nhận có sự tiến bộ theo những cam kết mà chính quyền Taliban đưa ra”.
Rõ ràng Afghanistan đang đối mặt với một cơn bão lớn, mà theo như Liên Hợp Quốc, nếu quốc tế không hành động và giúp Afghanistan vượt qua cơn bão này, không chỉ Afghanistan mà cả thế giới sẽ phải trả giá đắt. Các nước có thể phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng di cư mới, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, mạng lưới tội phạm gia tăng và đặc biệt là nguy cơ của một thiên đường khủng bố có thể quay trở lại.
Khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan, các nước phương Tây chắc sẽ không muốn một lần nữa dùng vũ lực để áp đặt lựa chọn chính trị cho người Afghanistan. Nhưng chắc chắn họ cũng muốn bảo vệ những thành quả đã đạt được 20 năm qua, áp đặt yêu cầu đối với chính quyền mới và sử dụng “đòn bẩy về chính trị cũng như kinh tế” để tác động đến tình hình quốc gia Nam Á này.
Với một nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc vào viện trợ và chi tiêu của nước ngoài, tiền mặt cạn kiệt, lương của chính phủ ngừng hoạt động và giá cả tăng nhanh... phương Tây cũng hy vọng “đòn bẩy đồng Dollar” không chỉ giúp ngăn khủng hoảng kép tại Afghanistan mà còn có sức mạnh đúng thời điểm, khiến Taliban “ thỏa hiệp”, chấp nhận những điều kiện đưa ra để vực dậy nền kinh tế cũng như củng cố quyền lực cho chính quyền mới tại quốc gia này./.