Đây là thông báo của Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin - nước Chủ tịch G20 tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 đang diễn ra tại thành phố Yogyakarta, Indonesia.

Hiện đã có các cam kết đóng góp vào Quỹ trung gian tài chính bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Đức, Indonesia, Singapore và Quỹ Wellcome Trust.  Indonesia trước đó thông báo G20 đặt mục tiêu huy động 1,5 tỷ USD trong năm nay cho một quỹ được thành lập để đối phó tốt hơn trước các đại dịch trong tương lai. Quỹ này nhằm cung cấp tài chính cho hoạt động giám sát, nghiên cứu và tiếp cận vaccine tốt hơn cho những nước có thu nhập thấp đến trung bình.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Indonesia Sadikin khẳng định cam kết của G20 với các nước trên thế giới về nỗ lực tạo ra một quỹ khẩn cấp sử dụng cho các đại dịch trong tương lai. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ước tính, nhu cầu tài chính để tăng cường an ninh y tế toàn cầu đạt 31 tỷ USD mỗi năm. 2/3 số tiền tài chính có thể đến từ những nguồn lực hiện có, nhưng vẫn còn thiếu khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

WHO cũng khuyến nghị Quỹ trung gian tài chính sẽ do một Hội đồng phụ trách phân bổ quỹ với sự hỗ trợ của Ban cố vấn kỹ thuật. Ban thư ký chung của Ngân hàng Thế giới và WHO, có trụ sở tại Washington, sẽ hỗ trợ cả Hội đồng và Ban cố vấn kỹ thuật. Theo đó, Ngân hàng thế giới cung cấp quyền lãnh đạo tài chính và hành chính tại Ban thư ký, hoạt động như một đại diện cho Quỹ trung gian tài chính, nắm giữ và chuyển quỹ hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ quản trị. Trong khi đó, WHO sẽ cung cấp vấn đề kỹ thuật như điều phối đầu vào từ ban kỹ thuật, tài liệu và báo cáo liên quan cho Hội đồng.

Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới cũng sẽ đảm nhận vai trò phối hợp cùng các tổ chức và đối tác y tế khác, bao gồm Quỹ Toàn cầu, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) và Liên minh đổi mới sẵn sàng đối phó với dịch bệnh (CEPI)./.