Phát biểu tại cuộc họp liên quan vấn đề an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung tướng Ibnu Suhaendara – quan chức cấp cao của Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia cho biết, cơ quan này đang tăng cường cảnh giác, mở rộng phối hợp với các lực lượng an ninh thuộc nhiều ban ngành và tỉnh thành tại Indonesia để đảm bảo năm Chủ tịch G20 của Indonesia diễn ra suôn sẻ và an toàn.
Theo Trung tướng Suhaendara, khủng bố, bạo loạn thường nhằm vào chương trình nghị sự của Nhà nước và các sự kiện quốc tế có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia như Hội nghị thượng đỉnh G20. Các mối đe dọa an ninh có thể bắt nguồn từ các cuộc biểu tình hoặc tấn công kiểu “sói đơn độc”. Do vậy, cần có sự phối hợp đặc biệt để thực hiện yêu cầu của Tổng thống Indonesia Joko Widodo là không để xảy ra vụ nổ nào trong quá trình tổ chức các cuộc họp cấp cao G20. Tướng Suhaendara lưu ý rằng tỉnh Đông Java gần Bali – nơi tổ chức Thượng đỉnh G20, là khu vực có số nghi phạm khủng bố bị truy tố cao thứ ba tại Indonesia.
Cũng tại cuộc họp trên, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố nước ngoài của BNPT, ông Didik Novi Rahmanto, cảnh báo các nhóm khủng bố quốc tế có thể thực hiện các cuộc tấn công làm gián đoạn sự kiện G20 để chứng tỏ sự tồn tại của mình. Ngoài việc tấn công nhằm vào địa điểm tổ chức Thượng đỉnh G20, khủng bố cũng có thể tấn công vào những địa điểm khác mà chúng cho là an ninh nới lỏng.
Theo ông Didik, lực lượng chống khủng bố của Indonesia sẽ áp dụng cả 2 cách tiếp cận “cứng” và “mềm” trong xử lý các phần tử khủng bố nước ngoài, gồm biện pháp thực thi pháp luật hoặc thuyết phục, đưa các đối tượng này trở về với gia đình, cộng đồng.
Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, năm Chủ tịch G20 của Indonesia gồm hơn 150 cuộc họp các cấp, quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali vào giữa tháng 11/2022.
Kể từ năm 2000, Indonesia đã trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố. Các nhóm khủng bố tích cực gieo rắc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực, thúc đẩy ngày càng nhiều đối tượng đơn lẻ gây ra các vụ tấn công đẫm máu, khiến lực lượng chống khủng bố Indonesia phải tăng cường các chiến dịch ngăn chặn, truy quét. Năm 2021, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88 của Indonesia đã bắt giữ hơn 300 nghi phạm khủng bố. Hai nhóm khủng bố bị truy quét mạnh mẽ nhất là Jamaah Islamiyah (JI) – mạng lưới khủng bố “khét tiếng” Đông Nam Á có liên hệ với nhóm khủng bố toàn cầu al-Qaeda và Jamaah Ansharut Daulah (JAD) – nhóm cực đoan có liên quan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng)./.