Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã buộc tội 3 người đàn ông Nga vì đã làm gián điệp cho Nga và cố gắng tuyển các nguồn tin ở thành phố New York.

tu_phap_my_gian_diep_nga_mhoc.jpgBộ trưởng Tư pháp Mỹ Holder tuyên bố nước Mỹ sẽ dùng mọi công cụ trong tay để lật tẩy các điệp viên nước ngoài (ảnh: AFP)
Giới chức Mỹ cáo buộc những người này đã sử dụng mật mã, giấu các đoạn trao đổi trong các túi xách và tạp chí, và tuyển các cơ sở ngầm có quan hệ với một trường đại học ở New York.

Đây là vụ việc mới nhất sau vụ Mỹ bắt giữ và trục xuất điệp viên Nga Anna Chapman vào năm 2010.

Tờ New York Post cho biết, trong cuộc điều tra của an ninh Mỹ, một điệp viên tầm tuổi trung niên (bị ghi âm) cho biết tổ gián điệp này chưa đạt được mức độ gần gũi với các nguồn tin tình báo đủ để có thể lôi cuốn được họ làm việc cho tình báo Nga.

Theo bản cáo trạng tại phiên tòa cấp liên bang ở Manhattan, giới chức Nga đã chỉ đạo các bị cáo tiến hành thu thập tin tức tình báo kinh tế nhạy cảm về khả năng Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng Nga cũng như các nỗ lực của Mỹ phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Theo tờ New York Post, cuộc điều tra 3 “gián điệp” này bắt đầu sau vụ nữ điệp viên Chapman cùng 9 điệp viên nằm vùng khác bị phanh phui.

Các công tố viên cho biết, trong vụ mới nhất này một bị cáo tên là Yevgeny Buryakov có vỏ bọc là nhân viên ngân hàng Nga tại Manhattan.

Trang trực tuyến LinkedIn cho biết ông này là một “phó đại diện” tại ngân hàng Vnesheconombank thuộc sở hữu của nhà nước từ thời Xô viết.

Tại một phiên tòa trước đó, Phó Chưởng lý Mỹ Adam Fee mô tả Buryakov như là một điệp viên chuyên nghiệp rất thành thạo trong việc che giấu thân phận.

Hai người khác có tên trong bản cáo trạng là Igor Sporyshev và Victor Podobnyy, được cho là người chỉ đạo Buryakov. Hai người này giữ các vị trí ngoại giao cấp thấp và được miễn truy tố do vị thế ngoại giao của mình. Người ta tin rằng họ đã trở về Nga.

FBI theo dõi và phát hiện Buryakov gặp Sporyshev tới 48 lần, trong đó có những lần Buryakov gửi tài liệu cho Sporyshev.

Trong các cuộc điện thoại (bị nghe lén) trong đó hai bên dàn xếp cuộc gặp, hai người Nga này nói tới việc chia sẻ vé đi xem phim và các sự kiện thể thao hay nhu cầu gửi các thứ đồ như sách và mũ nhưng sau đó mật vụ Mỹ không thấy họ làm thế.

Theo giới chức Mỹ, hai người đàn ông này đã “thảo luận việc tuyển các công dân Mỹ, bao gồm một số cá nhân làm cho các công ty lớn, và một số phụ nữ trẻ có liên hệ với một trường đại học lớn ở thành phố New York”./.