LTS:VOV.VN xin giới thiệu phần lược dịch bài viết của trung tá John D. Johnson, sĩ quan lục quân Mỹ biệt phái sang Văn phòng Quân vụ của CIA. Ông Johnson từng phục vụ ở Afghanistan, Iraq, Hàn Quốc và Đức cũng như ở Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tạo ra Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bằng việc ký Đạo luật An ninh Quốc gia vào năm 1947, cơ quan này và Bộ Quốc phòng Mỹ đã hợp tác với nhau để đạt mục tiêu chung là bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.
Trong các năm qua, kết quả của sự hợp tác giữa CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ có lúc hiệu quả có lúc không. Thi thoảng, quan hệ giữa đôi bên rất tích cực, nhưng lại có những lúc văn hóa của hai cơ quan này xung khắc với nhau và sĩ quan của hai tổ chức vẫn tìm cách dè phòng nhau.
Cuộc đột kích thành công vào khu nhà ở phức hợp của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan vào tháng 5/2011 có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất hiện nay về hợp tác CIA-Bộ Quốc phòng. Cuộc đột kích đó cũng chỉ rõ bản chất bổ sung lẫn nhau giữa hai tổ chức này, mỗi bên có ưu thế riêng.
CIA và quân đội Mỹ cần hợp tác với nhau kể cả sau khi Mỹ rút dần quân khỏi Afghanistan, và trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa không quy ước ở các khu vực như là Nam Á, Bắc Phi và Trung Đông. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là quân đội hiểu được các sứ mệnh, cơ cấu tổ chức, và các năng lực của CIA, cũng như sự khác biệt giữa CIA và quân đội Mỹ.
1. Sứ mệnh của CIA
CIA là một cơ quan chính phủ độc lập chịu trách nhiệm về cung cấp thông tin tình báo an ninh quốc gia cho các nhà hoạch định chính sách cao cấp. Đạo luật An ninh Quốc gia 1947 thiết lập hành lang pháp lý cho cơ quan này tiến hành 3 hoạt động chính sau: Thu thập thông tin tình báo hải ngoại; phân tích tình báo; và thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của tổng thống Mỹ, “ở những chỗ mà vai trò của chính phủ Mỹ sẽ không rõ ràng hoặc không công khai thừa nhận”, nói cách khác là hoạt động mật.
>> Xem thêm: Mỹ và cơn ám ảnh tình báo
2. Tổ chức
Để hoàn thành sứ mệnh của mình, CIA được chia làm 4 thành tố: Cục Hoạt động Ngầm (NCS) – cục này vẫn có tên Cục Tác chiến cho đến năm 2005; Cục Tình báo (DI); Cục Khoa học và Công nghệ (DS&T); và Cục Hậu cần (DS). Mỗi cục có vô số những đơn vị nhỏ hơn nữa ở cả tổng hành dinh CIA và ngoài thực địa. Ngoài ra còn có bộ phận tham mưu gồm các phòng chuyên môn phụ trách vấn đề công, vấn đề quốc hội, và vấn đề quân sự.
Sứ mệnh của NCS là tăng cường an ninh quốc gia và các mục tiêu đối ngoại thông qua hoạt động thu thập tình báo bằng con người và các hành động ngầm. NCS bao gồm chủ yếu là các sĩ quan thực địa có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo nước ngoài, qua việc thu nạp các đầu mối được tiếp cận với các thông tin tình báo có giá trị. Các sĩ quan NCS có lẽ là nhóm mà mọi người hay nghĩ tới nhất khi liên tưởng đến CIA: một nhân vật kiểu James Bond.
Trong khi đó DI bao gồm các sĩ quan phân tích thông tin tình báo thu thập từ vô số nguồn, như là các báo cáo tình báo do bên NCS cung cấp, tình báo tín hiệu, tình báo hình ảnh (vệ tinh), tình báo quân sự, tình báo thu thập từ nguồn mở… Kết quả của việc thu thập và phân tích này là các báo cáo tình báo thành phẩm dành cho tổng thống, thành viên nội các, và các vị lãnh đạo quyết định chính sách an ninh quốc gia.
Cục DS&T gồm các sĩ quan chuyên tạo ra, chỉnh đổi, phát triển và vận hành các hệ thống thu thập kỹ thuật, đồng thời áp dụng công nghệ vào việc thu thập, phân tích, và xử lý thông tin. Họ phát triển các công cụ và công nghệ cần thiết để thu thập thông tin tình báo nước ngoài và hỗ trợ các hoạt động CIA trên “chiến trường”. Một ví dụ tiêu biểu về công nghệ ở đây là chiếc kẹp cà vạt đóng vai trò của một máy ghi hình thu nhỏ.
3. Cục và trung tâm
Ngoài 4 cục nói trên, CIA còn quản lý vài trung tâm chức năng mà bên quân đội thường xuyên tương tác. Những trung tâm này bao gồm Trung tâm Chống khủng bố, Trung tâm Tác chiến Thông tin, Trung tâm Chống Phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, Trung tâm Tội phạm và Ma túy, Trung tâm Nguồn mở, Trung tâm Hoạt động Đặc biệt, và Trung tâm Phản gián.
Khác biệt chính giữa các cục và trung tâm của CIA nằm ở chỗ các trung tâm kết nối người của các cục, và bao gồm cả nhân viên đến từ các cơ quan tình báo khác, như là Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
4. Các khách hàng và sản phẩm của CIA
Trong khi quân đội tìm kiếm các nguồn tin tình báo con người ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch để đáp ứng các đòi hỏi tình báo ưu tiên của sĩ quan chỉ huy, thì CIA trong phần đa công việc của mình lại tập trung vào các nguồn tin tình báo con người ở cấp độ chiến lược. Tất nhiên các thông tin tình báo của NCS được cung cấp cho bên quân đội qua hình thức phân phối điện tín mật.
Tương tự, DI hướng các hoạt động phân tích tình báo nguồn mở của mình vào các vấn đề mà tổng thống và các quan chức cao cấp của Mỹ quan tâm. Cục DI đóng góp vào sản phẩm tình báo chất lượng cao của cộng đồng tình báo - đó là bản thông báo hàng ngày dành cho tổng thống. Nhiều sản phẩm của DI cũng được cung cấp cho quân đội thông qua website mật của CIA – Tạp chí Tình báo Toàn cầu.
Các sản phẩm CIA khác không thuộc diện mật là World Fact Book thường niên; danh bạ trực tuyến được xuất bản đều đặn về các nguyên thủ và thành viên nội các các chính phủ nước ngoài; và các đoạn trích không thuộc diện mật lấy từ tạp chí Tình báo học – tạp chí chuyên ngành của CIA.
5. Hành động mật
Đạo luật An ninh Quốc gia 1947 cho phép CIA thực thi các chức năng và nhiệm vụ khác khi được tổng thống chỉ đạo như vậy (ví dụ các hoạt động ngầm).
>> Xem thêm: CIA đạo diễn cuộc đảo chính tại Iran
Hoạt động mật khác với các hoạt động khác của CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ ở chỗ: sự dính líu của chính quyền Mỹ không được thừa nhận công khai trong một chiến dịch tình báo nào đó.
6. Bảo vệ nguồn tin và các phương pháp nghiệp vụ
Cũng như Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo khác, CIA nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ các nguồn tin tình báo và phương pháp thu thập. Do đó nhiều tin tức tình báo nhạy cảm của CIA được phân loại cao độ, nên chỉ các cá nhân có nhu cầu và được đưa vào một chương trình nào đó thì mới được tiếp cận thông tin. Quân đội được đưa vào các chương trình của CIA khi thích hợp, nhưng thường thì, các sĩ quan CIA không được phép chia sẻ với bên quân đội thông tin về một chương trình CIA nào đó bởi vì chương trình này được bảo mật cao.
7. Trưởng trạm
Ngoài thực địa, CIA quản lý các hoạt động của mình thông qua một mạng lưới các trạm hải ngoại. Sĩ quan cao cấp của CIA tại mỗi trạm này gọi là trạm trưởng. Trạm trưởng đóng vai trò khá giống với một chỉ huy quân sự. Trạm trưởng giám sát các nỗ lực thu thập tình báo đối ngoại của trạm, liên lạc với các đối tác của cơ quan tình báo đối ngoại, và quản lý việc tránh xung khắc giữa các hoạt động mình với các hoạt động của các thể chế khác của chính phủ, bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ.
8. Cấp bậc và quan hệ
Trong khi hầu hết các sĩ quan CIA có nhận thức nhất định về cấp bậc trong quân đội thì bản thân CIA lại là một tổ chức ít chú ý đến cấp bậc hơn bên quân đội. Quân đội Mỹ đề cao cấu trúc tôn ti hơn, xưng hô theo họ và lon, trong khi đó bên CIA ít nặng về hình thức hơn, xưng hô chủ yếu theo tên riêng. Tuy nhiên, sự khác biệt còn bao gồm cả đồng phục, biệt ngữ, quy định về đầu tóc, tuổi tác, giáo dục, tỷ lệ giới, lương, ngân sách và số lượng nhân sự.
9. Lãnh đạo và quản lý
Một khác biệt văn hóa nữa giữa CIA và quân đội Mỹ là ý tưởng về lãnh đạo và quản lý. Quân đội Mỹ thiên về lãnh đạo, điều này thể hiện rõ trong chương trình đào tạo quân nhân chuyên nghiệp. Ngay từ đầu sự nghiệp của mình, các sĩ quan quân đội đã được phát triển theo hướng trở thành lãnh đạo. Quá trình huấn luyện lãnh đạo tiếp diễn trong suốt sự nghiệp của một sĩ quan.
10. Hoạt động quân sự của CIA
Có nhiều kênh để quân đội Mỹ tương tác với CIA và ngược lại. Tại trụ sở CIA, Văn phòng Quân vụ có nhiệm vụ điều phối, lên kế hoạch, thực thi và duy trì các hoạt động toàn cầu hỗ trợ cho sự hợp tác giữa CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ dựa trên các ưu tiên do giám đốc CIA đặt ra nhằm đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia.
Ngoài thực địa, bên cạnh các trạm tình báo đã nêu ở trên, CIA còn bố trí các đại diện của mình bên trong các cơ cấu chỉ huy tác chiến của Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ sở giáo dục quốc phòng. CIA cũng thi thoảng cấy các đội của mình vào các bộ chỉ huy quân sự để hỗ trợ sự điều phối chiến dịch giữa hai bên ngay tại chỗ, tránh các va chạm giữa đôi bên.
Thành công trong vụ đột kích tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 đại diện cho mặt hiệu quả cao trong quan hệ giữa CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo tác giả Johnson - sĩ quan quân đội Mỹ biệt phái sang Văn phòng Quân vụ của CIA, điều quan trọng là CIA và quân đội Mỹ phải hiểu nhau, tôn trọng các khác biệt về tổ chức và văn hóa để có thể bổ khuyết cho nhau nhằm đạt hiệu quả chung trong việc bảo vệ nước Mỹ./.
Xem thêm: