Facebook, nhà mạng xã hội số 1 thế giới đang trong tình cảnh điêu đứng, hứng chịu nhiều sức ép, đặc biệt là thái độ tẩy chay từ phía người dùng sau vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến việc tiết lộ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng.

gettyimages_669889770_0_qaka.jpg
Mark Zuckerberg buộc phải trực tiếp giải trình về vụ lạm dụng dữ liệu cá nhân. Ảnh: VOX.

“Gã khổng lồ công nghệ” này đang bị giới chức Mỹ và châu Âu yêu cầu giải trình rõ vụ Công ty Cambridge Analytica đã sử dụng thông tin trái phép của hơn 50 triệu tài khoản Facebook để hỗ trợ Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Một loạt những chỉ trích nhắm vào Facebook về việc Cambridge Analytica - công ty có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016 truy cập và lưu trữ trái phép lượng lớn dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook bị vỡ lở.

Sự việc lần này của Facebook được đánh giá là tương đối nghiêm trọng khi giới chức Mỹ và một số nước châu Âu đã lên tiếng thúc giục “ông chủ” Mark Zuckerberg phải trực tiếp giải trình về vấn đề này, đồng thời hối thúc mở các cuộc điều tra đối với vụ việc và không loại trừ khả năng sẽ thắt chặt quy định đối với các hãng công nghệ.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Damian Collins, nhà làm luật thuộc Đảng Bảo thủ Anh, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông của Quốc hội Anh cũng cho biết, ông Zuckerberg hoặc lãnh đạo cao cấp khác của Facebook phải có mặt tại ủy ban này để phục vụ công tác điều tra.

Ông Collins cho biết thêm: “Tôi đã thông báo với ông Zuckerberg yêu cầu ông này hay lãnh đạo cao cấp khác của Facebook đưa ra bằng chứng để làm rõ về việc Facebook biết về vụ lạm dụng dữ liệu người dùng này, tại sao họ không có hành động chống lại Cambridge Analytica sớm hơn, và tại sao họ không thông tin cho những người dùng- những người mà dữ liệu của họ đã bị lấy đi.”

Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, nhưng trước đó Facebook vẫn tranh cãi về quan điểm nhìn nhận vấn đề này. Thay vì “rò rỉ thông tin”, Facebook gọi nó là một “sự nhầm lẫn”. Ông Andrew Bosworth, Phó Chủ tịch mảng Quảng cáo và Trang tại Facebook vẫn khẳng định, người dùng đã lựa chọn chia sẻ dữ liệu của họ với các ứng dụng của bên thứ ba và nếu các ứng dụng của bên thứ ba không tuân theo thỏa thuận dữ liệu với Facebook và người dùng thì đó là vi phạm. Không có mật khẩu hay thông tin nào bị đánh cắp hay bị tấn công.

Vụ tiết lộ thông tin người dùng Facebook ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Facebook sụt giảm đến 7% - mức giảm lớn nhất trong 4 năm qua, và khiến Facebook mất 42 tỉ USD. Đó là con số trước mắt, còn thực tế khó khăn mà Facebook đang phải đối mặt có thể lớn hơn nhiều khi các nhà phân tích đang hết sức lo ngại về tương lai của mạng xã hội này. Một số nhà quan sát thậm chí còn cảnh báo rằng, thị phần của Facebook trong thị phần quảng cáo trực tuyến sẽ tiếp tục sụt giảm trong vài năm tới, trong bối cảnh giá quảng cáo đã gần "đụng nóc" như hiện nay.

Một tác động tiêu cực tức thời khác khi người dùng đang kêu gọi xóa tài khoản Facebook sau vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng kể trên. Phong trào hashtag #DeleteFacebook bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới vào rạng sáng nay (20/3). Vụ rò rỉ thông tin này đã nhanh chóng thành chủ để công kích của nhiều người dùng mạng xã hội này, đồng thời xuất hiện rất nhiều hình ảnh do người dùng ghi lại khi đang tự tay xóa tài khoản Facebook.

Mặc dù hứa điều ra sớm làm rõ vụ việc tuy nhiên thiệt hại lớn nhất hiện nay của nhà mạng hàng đầu thế giới này có lẽ vẫn là sự tổn hại về uy tín. Một câu hỏi lớn đặt ra là Facebook sẽ phải xử lý vụ việc lần này như thế nào để có thể giảm đáng kể thiệt hại, mà quan trọng hơn là khôi phục lòng tin người dùng với các chính sách bảo mật và dữ liệu cá nhân được quản lý chặt chẽ hơn./.