Vụ việc nữ sinh H.T.L. học sinh lớp 11C12, trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tự tử tại ao nước trước nhà được cho là xuất phát tự nguyên nhân bị phát tán clip L. và bạn trai hôn nhau tại lớp học. Câu chuyện đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với những người lớn trong việc định hướng, chỉ bảo cho con, em mình việc sử dụng facebook sao cho có trách nhiệm, hiệu quả.
Hiện trường nơi tìm thấy thi thể nữ sinh. (ảnh: báo Nghệ An) |
Không phải đây là lần đầu tiên xảy ra câu chuyện đau lòng liên quan đến những bình luận trên facebook. Sau mỗi cái chết, câu chuyện nóng lên vài ngày rồi lại rơi vào quên lãng. Chỉ có những người thân, người dứt ruột sinh ra các em mới thực sự đau lòng, ám ảnh về cái chết của những đứa trẻ.
Còn nhớ, cách nay vài năm, khi trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), trường Nguyễn Đức Cảnh ở Thái Bình cho ra đời bản qui định của nhà trường đối với học sinh khi sử dụng facebook, nhiều cha mẹ, nhiều ý kiến khác cho rằng làm như vậy là quá hà khắc, khắt khe đối với học sinh, thậm chí còn nói đó là sự kiểm duyệt mất tự do với con trẻ vì mạng xã hội chứ có gì ghê gớm đâu.
Tôi, dù không có con, em học ở trường Lương Thế Vinh, trường Nguyễn Đức Cảnh nhưng tôi ủng hộ cách làm này. Bởi, tôi chứng kiến nhiều diễn đàn hoặc xem nhiều trang cá nhân của các em, không khỏi giật mình khi đọc những lời bình luận, những lời văng tục, chửi bậy của các em. Các em hồn nhiên nghĩ rằng, mình có thể nói năng tự do trên mạng xã hội và không ai biết mình là ai. Việc sử dụng mạng xã hội một cách không kiểm soát đã dẫn tới những hậu quả khôn lường mà chúng ta đã chứng kiến.
Người lớn khi gặp vấn đề mà nhận “gạch đá” từ các “anh hùng bàn phím” nhiều khi còn không chịu nổi, có người sinh bệnh trầm cảm, phát điên, thì những bộ óc non nớt, chưa hề có kinh nghiệm, bản lĩnh trong cuộc sống làm sao có thể chịu đựng được?
Vậy chúng ta phải làm gì để giúp con trẻ sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, có chọn lọc, có trách nhiệm? Nhiều người cho rằng điều đó là khó. Bởi họ không thể suốt ngày đeo bám, theo dõi xem các em làm gì trên mạng xã hội được. Thậm chí, nhiều em không thích người lớn biết được mình đang giao lưu, làm gì với bạn bè trên mạng xã hội đã tìm cách “chặn”, không kết bạn…với cha mẹ mình.
Dạy các em sử dụng facebook, mạng xã hội bằng cách nào? Đơn giản đó chính là những bài học, cách ứng xử trong cuộc sống thường nhật. Cha mẹ dù bận đến đâu cũng cố gắng dành thời gian để nói chuyện, trao đổi với con về những vấn đề trong cuộc sống, trong việc học tập, giao lưu với bạn bè. Trên các diễn đàn, các cha mẹ thường trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái với nhau. Có thể, đặc điểm tính cách của mỗi cháu một khác nên không thể dập khuôn được, nhưng cũng có những cái chung mà chúng ta nên áp dụng. Đơn cử như hàng ngày, đi làm về bạn đừng hỏi ngay con “Hôm nay con được mấy điểm?”, thay vào đó là “Hôm nay con có gì vui không?” hoặc cố gắng nắm bắt một chủ đề nào đó mà con đang hào hứng khi chào đón bạn trở về nhà. Khi có cơ hội, gặp các tình huống trên tivi hoặc đi chơi ở đâu đó, bạn có thể hỏi ý kiến con về việc xử lý vấn đề như thế nào. Nếu thấy con hiểu và ứng xử chưa đúng, cha mẹ có thể nhắc nhở, uốn nắn, phân tích cho con để con biết những cái chưa chuẩn mực, chưa hợp lý.
Con cái chính là tấm gương phản chiếu mọi hành động, hình ảnh của cha mẹ. Bạn gieo mầm nào sẽ gặt được quả ấy, nếu bạn dạy con biết chia sẻ, yêu thương thì con của bạn sẽ là đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu; dạy con có trách nhiệm với mỗi hành động, việc làm thì đứa trẻ đó sẽ luôn có tinh thần trách nhiệm… Quan trọng hơn, cha mẹ cần dạy con “việc gì mình không thích thì đừng làm cho người khác” để con biết rằng, khi vào tình huống, hoàn cảnh của người đó mình sẽ nên và không nên làm gì.
Những đứa trẻ hôm nay có trở thành người có ích, sống biết yêu thương, chia sẻ, có bản lĩnh hay không phụ thuộc rất lớn vào công lao dưỡng dục của mỗi người làm cha, làm mẹ, làm thầy./.