Sau nhiều tuần tranh cãi, Hy Lạp và các đối tác Eurozone ngày 12/2 đã đưa ra các bước đi rõ ràng, tiến tới việc thu hẹp bất đồng về yêu cầu giảm gánh nặng nợ cho Hy Lạp.
Mặc dù bất đồng chính giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, nhưng giới chuyên gia kinh tế nhận định, Hy Lạp và các đối tác châu Âu đang gấp rút hướng tới một giải pháp “có thể chấp nhận được” cho cả hai bên, khi hạn chót cho chương trình cứu trợ hiện nay đang đến gần.
Tại hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 12/2, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết sẽ cử quan chức Hy Lạp đến tham gia cuộc họp ngày 13/2 với các chủ nợ quốc tế là Ngân hàng trung ương châu Âu, Ủy ban châu Âu và Quĩ tiền tệ quốc tế. Những nội dung của cuộc thảo luận này nhằm chuẩn bị cho cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurozone vào đầu tuần tới.
Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras bày tỏ hi vọng, một thỏa thuận nợ “hợp lí” có thể được nhất trí vào tuần tới tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone.
Ông Tsipras nói: “Cuộc họp kĩ thuận giữa các bên là một bước đi đúng hướng, làm nền tảng cho các cuộc đàm phán của Eurozone vào đầu tuần tới. Theo một hướng rất tích cực, chúng tôi hi vọng các cuộc đàm phán này sẽ được tiếp tục giúp mang lại một giải pháp có thể được cả hai bên chấp nhận”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh, châu Âu luôn hướng đến việc tìm kiếm sự thỏa hiệp, nhưng Hy Lạp cũng cần phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với Eurozone.
Bà Merkel nói: “Chúng ta phải có các cuộc đàm phán mang tính định hướng. Chương trình cứu trợ cho Hy Lạp có hiệu lực đến cuối tháng này và nên được gia hạn. Tôi hi vọng các cuộc đàm phán sẽ đi theo định hướng này và sẽ được thực hiện sớm nhất có thể”.
Mặc dù vẫn là những tuyên bố cứng rắn, nhưng việc các bên tiếp tục tham gia đối thoại để kiếm sự đồng thuận mang lại hi vọng về một thỏa thuận có thể đạt được giữa Hy Lạp và các đối tác châu Âu. Khá lạc quan với việc Hy Lạp có thể đạt được thỏa thuận với các đối tác Eurozone, thị trường chứng khoán Hy Lạp ngày 12/2 đóng cưả ở mức khoảng 6,7%, cao hơn so với những ngày trước đó.
Rõ ràng chính phủ mới của Hy Lạp buộc phải có những bước đi thỏa hiệp với các đối tác châu Âu trong bối cảnh nước này vẫn cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Bất chấp việc có tăng trưởng khiêm tốn gần đây, nhưng nền kinh tế Hy Lạp ở mức khoảng 25%, thấp hơn nhiều hơn so với trước khủng hoảng và tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao.
Hy Lạp cũng đang phải đối mặt với núi nợ khổng lồ và phải hoàn trả nợ trong năm nay. Nếu không có chương trình mới, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với vỡ nợ và khả năng ra khỏi Eurozone- một diễn biến có thể làm tổn hại đến nền kinh tế Hy Lạp- ít nhất là trong ngắn hạn và khiến thị trường tài chính toàn cầu đi vào bất ổn. Vì vậy, cả Hy Lạp và Eurozone đang cố gắng đạt được một thỏa thuận vào hạn chót, trước khi chương trình cứu trợ của Hy Lạp hết hạn vào 28/2 tới.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo các nhà đầu tư không nên lạc quan quá sớm. Chính phủ Hy Lạp hiện vẫn tuyên bố sẽ không gia hạn gói cứu trợ hiện nay, chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng và muốn đàm phán một chương trình bắc cầu mới giúp Hy Lạp vượt qua những khó khăn sắp tới cũng như tránh khả năng rời khỏi Eurozone.
Trong khi đó các chủ nợ châu Âu , đặc biệt là Đức lo ngại việc nới lỏng các điều kiện cho Hy Lạp sẽ tạo tiền lệ cho các nước trong Eurozone khác cũng đang phải áp dụng những biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo để đổi lấy cứu trợ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Hy Lạp và châu Âu cuối cùng sẽ vẫn phải thỏa hiệp, với một thỏa thuận đạt được vào phút chót. Theo đó, Hy Lạp sẽ đồng ý mở rộng một phần gói cứu trợ hiện nay nhưng với yêu cầu các biện pháp thắt lưng buộc bụng ngân sách mà nước này phải thực hiện cần được nới lỏng ./.