Tuyên bố sau Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nêu rõ, bất kỳ hành vi tấn công quân sự nào hơn nữa nhằm vào Ukraine đều phải trả giá đắt bằng những biện pháp trừng phạt chưa từng có. Đây là một trong những cảnh báo trực tiếp nhất của khối 27 nước thành viên gửi tới Nga.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng và kiềm chế bất kỳ hành động gây hấn nào thêm nữa. Liên minh châu Âu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga, nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của Nga. Nếu Nga có hành động chống lại Ukraine, Liên minh Châu Âu sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt có thể gây ra những hậu quả lớn”, bà Leyen nhấn mạnh.

Mặt khác, Liên minh châu Âu cũng để ngỏ cho các nỗ lực ngoại giao khi khẳng định sự  ủng hộ đối với các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy nhằm thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk. Do Pháp và Đức làm trung gian từ năm 2015, cơ chế này đã giúp tạm thời giúp tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh ở miền Đông Ukraine, dù cuộc xung đột khiến 14.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 này vẫn luôn âm ỉ.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chiến lược của Liên minh châu Âu dựa trên một cách tiếp cận đa chiều: răn đe, khôi phục đối thoại và ủng hộ Ukraine.

“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận quan trọng với Tổng thống Ukraine và cũng đã khẳng định rất rõ ràng rằng chúng tôi gắn bó với định dạng Normandy, sẵn sàng khôi phục hợp tác với Nga. Đây cũng là những gì tôi đã nói với Tổng thống Nga cách đây vài ngày”, Tổng thống Macron nói.

Các nước phương Tây trong những tuần gần đây không ngừng chỉ trích Nga tăng cường hiện diện quân sự áp sát biên giới Ukraine, bất chấp việc Nga khẳng định việc di chuyển quân đội quanh lãnh thổ của mình thuần túy vì mục đích phòng thủ. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trước đó cùng ngày quyết định gia hạn thêm 6 tháng các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Nga kể từ sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên khả năng bổ sung các biện pháp trừng phạt mới theo yêu cầu của Ukraine và một số nước phía Đông lại không được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đề cập tới. Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ trong Liên minh châu Âu. Các nước ở sườn phía Đông gần với Nga tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng răn đe tốt nhất và nên được áp dụng ngay lập tức.

Đối với Nga, các hoạt động quân sự của NATO sát biên giới Nga mới là mối đe dọa thực sự và nước này muốn nhận được sự đảm bảo có tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông cũng như cam kết không triển khai các loại vũ khí hiện có tới các quốc gia gần biên giới với Nga, trong đó có Ukraine. Ngay trước cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu, Nga cho biết đã gửi cho Mỹ tài liệu trong đó nêu rõ các thỏa thuận an ninh mà nước này muốn đàm phán với NATO và Mỹ. NATO đã ngầm thể hiện sẵn sàng thảo luận về những đề xuất này./.