Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm qua với các nước Đối tác phía Đông, Liên minh châu Âu đã thông báo những khoản đầu tư lớn nhằm hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch, song lại không có bất kỳ đề cập nào về triển vọng gia nhập khối của những nước này hay đưa ra lập trường rõ ràng đối với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Đây đều được xem là những phép thử đối với vai trò của Liên minh châu Âu đối với an ninh khu vực, cũng như nền chính trị toàn cầu.

Tuyên bố chung dài 24 trang sau hội nghị nhấn mạnh, Liên  minh châu Âu ghi nhận nguyện vọng và lựa chọn châu Âu của các Đối tác phía Đông, cũng như ủng hộ những cải cách và nỗ lực hướng tới hội nhập kinh tế dần dần vào thị trường nội khối. Tuy nhiên, tuyên bố không có bất kỳ đề cập nào đến triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu của những nước này.

Đối tác phía Đông là một sáng kiến chung giữa Liên minh châu Âu và 6 đối tác Đông Âu, gồm Azerbaijan, Armenia, Belarus, Georgia, Moldova và Ukraine. Tuy nhiên sáng kiến này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Belarus quyết định ngừng tham gia vào tháng 6 vừa qua nhằm phản ứng trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Cùng với đó, phản ứng chậm chạp và có phần thiếu quyết đoán của Liên minh châu Âu đối với căng thẳng ngày một leo thang giữa Nga và Ukraine hay trước đó là cuộc khủng hoảng giữa Armenia và Azerbaijan cũng phần nào khiến các nước đối tác thất vọng.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky hôm qua đã một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu áp đặt trừng phạt với Nga, mà theo nước này là như một cách để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng nào.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen dù đều khẳng định Liên minh châu Âu sẵn sàng buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công mới, nhưng lại không đưa ra phản ứng tích cực đối với yêu cầu Ukraine: “Phản ứng của Liên minh châu Âu trước bất kỳ hành động gây hấn nào hơn nữa có thể dưới hình thức mở rộng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt hiện có song cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung chưa từng có. Nhưng trên hết, tôi kêu gọi các bên giảm leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế. Xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình".

Lý do không chỉ là về mặt pháp lý, mà còn là thế khó của Liên minh châu Âu trong quan hệ với Nga. Châu Âu không thể ngồi ngoài cuộc khủng hoảng ngày càng tăng giữa Nga và Ukraine, cũng như phó mặc cho Mỹ cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến ngay trước cửa nhà. Ngay sau cuộc họp với các Đối tác phía Đông, Pháp và Đức, 2 đầu tầu của Liên minh châu Âu đã ngay lập tức kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán với Nga nhằm tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu không thiếu công cụ để giúp Ukraine phòng vệ và phát triển kinh tế, song lại thiếu ý chí chính trị để triển khai những công cụ này. EU cũng luôn bị chia rẽ về Nga. Trong khi Đức, Pháp và Italia cho rằng, mạnh tay với Nga chả khác gì hành động “tự vác đá ghè chân mình”, thì các thành viên Trung Âu lại luôn tìm cách ngăn chặn bất kỳ cuộc đối thoại và hợp tác có ý nghĩa nào giữa khối 27 nước thành viên và Nga. Tuy nhiên, bây giờ dường như đã đến lúc phải gạt những khác biệt đó sang một bên. Chỉ bằng cách hành động tập thể, Liên minh châu Âu mới có thể tạo điều kiện cho một nền hòa bình bền vững ở khu vực, cũng như lấy lại vị thế của mình trong các vấn đề chính trị toàn cầu./.