Ngay sau lời kêu gọi của Italy, quốc gia bị quá tải vì làn sóng người di cư ồ ạt đổ về từ Libya, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/7 đã đề xuất kế hoạch hành động trợ giúp nước này.

nguoi_ty_nan_kbcw.jpg
Một nhóm người tị nạn được giới chức Italy giải cứu. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp của nghị viện châu Âu diễn ra hôm qua, Ủy ban châu Âu đã công bố một kế hoạch đề nghị tăng mức ngân sách hỗ trợ Italy giải quyết dòng người nhập cư ồ ạt đổ về châu Âu thông qua Địa Trung Hải, đồng thời khuyến cáo các thuyền giải cứu người di cư hoạt động ngoài khơi Libya cần đánh giá lại hoạt động của mình nhằm tránh để tạo đà cổ súy thêm nhiều người nhập cư tiếp tục sử dụng đường biển làm phương tiện để di cư tới châu Âu.

Liên minh châu Âu dự kiến tăng cường hơn nữa năng lực của nhà chức trách Libya thông qua dự án hỗ trợ 46 triệu Euro, đồng thời tăng trợ giúp tài chính cho Italy thông qua gói hỗ trợ bổ sung trị giá 35 triệu Euro.

Kế hoạch hành động này sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày mai (6/7) tại Tallinn, Estonia, trong khuôn khổ cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu, với chương trình nghị sự chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng người di cư ở Địa Trung Hải.

Kế hoạch này của Ủy ban châu Âu ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ giới lãnh đạo Liên minh châu Âu và quốc tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong một tuyên bố đã nhấn mạnh rằng, tình hình người di cư qua Địa Trung Hải đã và đang diễn biến phức tạp, đồng thời nhấn mạnh điều này không phải mới và càng không phải là hiện tượng nhất thời.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Frans Timmermans đánh giá việc Italy kêu gọi các đối tác châu Âu giúp đỡ là “hoàn toàn hợp lý”, bởi tất cả các quốc gia châu Âu đều có nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng trên với Italy.

“Lời kêu gọi của Chính phủ Italy mới đây về sự đoàn kết trong châu Âu nhằm giải quyết dòng người di cư là hoàn toàn hợp lý. Italy đã thể hiện rõ mức độ đoàn kết với người di cư mà chưa hề có tiền lệ trong lịch sử châu Âu. Trong một vài năm qua, Italy đã nỗ lực rất nhiều nhằm cải thiện tình hình.

Nếu so sánh với hai năm trước, Italy giờ đã là một thế giới khác, tốt hơn nhiều song với tình hình hiện nay, những gì mà Italy phải đối mặt có nghĩa là tất cả mọi người đều cần phải làm phần việc của mình”, ông Tillerson nói.

Cùng chung quan điểm với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trong một tuyên bố, đặc phái viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Vincent Cochetel nói: “Để bảo vệ hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư tại các vùng biển quốc tế, chúng ta cần một cơ chế phù hợp.

Chúng ta cần một sự thỏa hiệp và hợp tác ở tầm quốc tế. Sẽ không thực tế một chút nào khi nghĩ rằng Italy phải có trách nhiệm tự mình giải quyết dòng người di cư.

Điều này sẽ khiến việc giải quyết dòng người di cư không mang tính bền vững. Do vậy, chúng ta cần có sự hỗ trợ của các quốc gia khác chung tay cùng Italy”.

Trước đó, Italy nhiều lần lên tiếng cho rằng nước này đang phải một mình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tăng cường tiếp nhận người di cư từ Libya.

Chỉ trong vài ngày qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã giải cứu hơn 10.000 người di cư tại vùng biển ngoài khơi Libya. Theo thỏa thuận giữa Italy và Libya về người di cư, những người di cư được phát hiện trong lãnh hải Libya sẽ được đưa trở lại nước này và sẽ ở tại các trại tị nạn tại đây, trong khi những người đã vào vùng biển quốc tế sẽ được đưa đến các trại tị nạn của Italy.

Liên minh châu Âu đã không ít lần vấp phải sự chỉ trích của các nhóm hoạt động nhân quyền vì đã không nỗ lực đủ nhằm giảm số người di cư phải bỏ mạng khi tìm đường vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải.

Con đường di cư qua ngả Địa Trung Hải đã trở thành cửa ngõ chính vào châu Âu kể từ khi làn sóng nhập cư vào Hy Lạp qua biển Aegean giảm mạnh từ mùa Xuân năm 2016.

Thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết từ đầu năm đến nay, trong số hơn 100.000 người di cư đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, có tới 85.000 người cập bến Italy, gần 9.300 người tới Hy Lạp và khoảng 6.500 người tới Tây Ban Nha, song cũng có đến hàng nghìn người thiệt mạng trong hành trình vượt biển nguy hiểm này.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000 người chết đuối ngoài khơi Libya. Giải quyết dòng người di cư như thế nào hiện vẫn đang là bài toán khiến giới chức châu Âu đau đầu.

Có không ít quốc gia châu Âu đề xuất tạo ra một lộ trình an toàn để người di cư có thể tới được châu Âu song cũng có không ít quốc gia khác lại lo ngại rằng, việc này sẽ chỉ làm gia tăng làn sóng chống người di cư trong nội bộ các quốc gia châu Âu./.