Đây là vấn đề tranh luận sôi nổi tại Liên minh châu Âu những ngày qua. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu đang tăng tốc các chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, Ủy ban châu Âu hôm 19/1 đã trình khuyến nghị về vấn đề và dự kiến đưa ra thảo luận giữa các nước thành viên ngay vào ngày 21/1.
“Hộ chiếu vaccine” có thể hiểu như giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, hộ chiếu vaccine sẽ là bắt buộc nếu bạn muốn di lịch đến một quốc gia.
Hy Lạp và Đan Mạch là hai trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ “hộ chiếu vaccine”, coi đây như cứu tinh cho ngành du lịch và nền kinh tế đang lao đao do đại dịch Covid-19. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cũng ủng hộ ý tưởng. Theo quan chức này, nếu đã được tiêm chủng thì phải có giấy chứng nhận và Liên minh châu Âu cần có những những quy tắc chung. Tuy nhiên, để có thể đưa vào áp dụng hộ chiếu vaccine, rất nhiều vấn đề đặt ra từ kỹ thuật đến khoa học và thậm chí là cả đạo đức.
Trước tiên về mặt kỹ thuật. Nếu như ý tưởng là tạo ra một loại giấy tờ kỹ thuật số, thì Liên minh châu Âu sẽ bắt buộc phải thiết lập một nền tảng chung có giá trị tại tất cả các nước thành viên để xác minh tính hợp lệ của loại giấy tờ này, cũng như bảo vệ các thông tin y tế nhạy cảm. Và quan trọng hơn là phải đảm bảo không xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người không được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Giáo sư nghiên cứu Francoise Baylis thuộc trường đại học Daihouse nhận định: “Tình trạng thiếu hụt vaccine như hiện nay cho thấy hầu hết những người được tiêm vaccine đều ở các quốc gia phát triển. Sẽ thật vô lý khi những người giàu mới có quyền tự do đi du lịch, tự do đến quán rượu hay rạp chiếu phim, dẫn đến những tâm lý bất mãn trong xã hội”.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefkovic thì cho rằng việc tiêm phòng vaccine vốn dựa trên sự tự nguyện. Tuy nhiên, rất nhiều người không muốn tiêm hoặc không thể tiêm vaccine vì các lý do về y tế. Vì thế, nếu muốn thực hiện hộ chiếu vaccine, Liên minh châu Âu sẽ phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo những người không tiêm vaccine bị phân biệt đối xử hay bị hạn chế các quyền.
Giải pháp đưa ra đó là người dân có thể lựa chọn: cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine (hộ chiếu vaccine) hoặc chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Không chỉ về kỹ thuật hay đạo đức, vấn đề đặt ra còn về mặt khoa học như thời gian tiêm hay thời gian bảo vệ miễn dịch. Vấn đề trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của một loạt biến thể mới thời gian gần đây. Và khó khăn nữa: có rất nhiều vaccine với hiệu quả khác nhau, các nước phải công nhận vaccine của nhau thì hộ chiếu vaccine mới có ý nghĩa.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lập trường khá rõ ràng về “hộ chiếu vaccine”. Theo chuyên gia cao cấp về vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu Catherine Smallwood, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc này không khuyến nghị “hộ chiếu miễn dịch” và cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới. Những gì mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị là các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước và nước ngoài để điều chỉnh hướng dẫn đi lại cho phù hợp.
Dự kiến ngày 21/1, Liên minh châu Âu sẽ họp trực tuyến để thảo luận việc có nên áp dụng “hộ chiếu vaccine” hay không cũng như những quy định chung một khi khuyến nghị được thông qua./.