Tình trạng thất nghiệp trong thanh niên là nội dung nghị sự chính tại Hội nghị cấp cao khẩn cấp về việc làm của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 8/10 tại Milan, Italy. Tuy nhiên những bất đồng về cách thức tạo tăng trưởng lại đang trở thành một đề tài "hâm nóng" cuộc họp lần này.

im7bd15nerck_adqb.jpgĐoàn người thất nghiệp xếp hàng tại một trung tâm việc làm tại châu Âu (Ảnh Bloomberg)

Tại Hội nghị, Pháp và Italy đã đề cập đến việc nới lỏng các hạn chế về ngân sách để kích thích tăng trưởng và giảm tỉ lệ thất nghiệp ở Châu Âu. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng việc hạn chế ngân sách đang là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng khu vực chậm lại và tăng các rủi ro về việc làm.

Ông Hollande kêu gọi Châu Âu cần có một sự thống nhất về các giải pháp giảm thất nghiệp ở người trẻ.

Ông nói: “Nếu chúng ta không có khả năng mang lại hi vọng cho thế hệ tiếp theo thì họ sẽ di chuyển ra khỏi Châu Âu. Chúng ta có thể nhìn thấy những rủi rõ và nguy cơ. Châu Âu một lần nữa phải tạo ra cơ hội cho giới trẻ”.

Thủ tướng Italy Renzi, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi các quốc gia trong khối cần phải tập trung thảo luận về các giải pháp định hình lại các chính sách nhằm kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Renzi cũng có chung một quan điểm với Tổng thống Pháp khi nhấn mạnh, Châu Âu không nên duy trì các nguyên tắc ngân sách cứng nhắc, vì điều đó sẽ khiến cho lực lượng lao động trẻ quay lưng với khu vực.

Ông Renzi nói: “Với cương vị là Thủ tướng và là Chủ tịch của Liên minh châu Âu, tôi có thể nói rõ với các bạn rằng, cách làm việc và cách tiếp cận của khu vực sẽ không đủ sức thuyết phục người trẻ. Và như ông chủ tịch Herman Van Rompuy nói thì chúng ta có nguy cơ mất cả một thế hệ Châu Âu”.

Tuy nhiên, những quan điểm này đã không thuyết phục được Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà cho rằng, tạo việc làm là vấn đề chính sách cơ bản của chính phủ các nước thành viên chứ không phải là vấn đề của khối.

Việc nới lỏng ngân sách của Liên minh châu Âu sẽ tạo ra khủng hoảng mới về thâm hụt và các nước có thể quay lại các chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn đang tạo ra khủng hoảng xã hội ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, đáng lẽ nước Đức, một nền kinh tế đầu tầu của Liên minh châu Âu cần phải tìm cách thuyết phục các nước thành viên về một giải pháp thì bà Merkel cũng chỉ dừng lại ở câu hỏi “Chúng ta cần phải đầu tư, nhưng quan trọng là đầu tư vào đâu?”. Một câu hỏi mang tính “luẩn quẩn” của Châu Âu về thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên trong suốt nửa thập kỷ qua.

Rõ ràng, sự bất đồng tồn tại giữa các “nền kinh tế lớn” của Liên minh châu Âu đã chặn những tiếng nói của các nền kinh tế yếu hơn. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị chỉ đang tiếp tục thể hiện sự quan tâm và gây sức ép về cải cách thị trường lao động chứ không đưa ra cam kết lớn về tài chính cho lĩnh vực này. Và đương nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc, không có cơ hội cho những bước đột phá tại Hội nghị lần này.

Hiện các nền kinh tế Liên minh châu Âu đang “ngấm đòn” từ các biện pháp bao vây, cấm vận, trừng phạt lẫn nhau với đối tác Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo số liệu từ Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat), trong tháng 8, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 0,3%. Đây là mức lạm phát thấp nhất của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) kể từ tháng 10/2009.

Với mức lạm phát thấp như vậy, châu Âu không chỉ lo tăng trưởng rơi vào ngưng trệ mà còn đang lo giảm phát.  Sự giảm tốc của kinh tế châu Âu đã dẫn tới những lời kêu gọi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra biện pháp kích thích nào đó để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của ECB cũng sẽ đòi hỏi sự phối hợp của một số quốc gia với chính sách tài khóa không giống nhau. Thực tế này khiến nhiều người quan ngại về một vấn đề đã từng khiến châu Âu điêu đứng trong thời gian khủng hoảng nợ công. Đó là, Liên minh châu Âu có chính sách tiền tệ chung, nhưng không có chính sách tài khóa chung, khiến một số thành viên “va nhau chan chát” trong các biện pháp đối phó khủng hoảng./.