Tại cuộc thảo luận với trọng tâm là khủng hoảng Trung Đông, Quốc vương Giordani đã đánh giá cao hành động nhân đạo của Đức khi giải quyết thách thức từ làn sóng người tị nạn.

Quốc vương Abdullah nói:Nếu không nhờ vai trò của Đức và nhờ vào chính sách của Thủ tướng Merkel thì tôi cho rằng khu vực Trung Đông, châu Phi và cả thế giới có thể đã rơi vào tình huống tồi tệ hơn. Tôi ở đây để gửi lời cám ơn tới không chỉ bà Merkel mà cả người dân Đức vì những gì họ đã làm cho Giordani và cho cả khu vực Trung Đông”

Về phần mình, Thủ tướng Đức cũng thừa nhận rằng chính sách mở cửa với người di cư đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ các nhà chính trị cánh hữu đối lập ở Đức, song bà khẳng định sẽ không thay đổi chính sách này. Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết khủng hoảng di cư do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Syria.

Thủ tướng Đức cho biết: “Chúng ta đang thực hiện những kế hoạch đã đề ra tại Hội nghị London (Anh) hồi tháng 2. Chúng ta đã thảo luận chi tiết về những kết quả tốt đẹp, trong đó có việc nhiều trẻ em tị nạn đã được đến trường hay có thêm nhiều người tị nạn tìm được việc làm, song đây mới chỉ là những bước đầu tiên”.

Trước đó 2 ngày, hàng trăm người biểu tình cánh hữu đã tập trung ở thành phố miền Đông Dresden của Đức để phản đối chính sách nhập cư.

Tại Đức, trong năm học vừa qua, các trường học và trường đào tạo nghề đã tiếp nhận khoảng 300.000 trẻ em tị nạn. Thông báo được đưa ra tại Hội nghị các bộ Văn hóa 16 bang nước Đức trong ngày 6/10 cho biết hệ thống giáo dục tại Đức đã mở rộng để tiếp nhận những trẻ em tị nạn và chính quyền tại các bang đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua.
Tuy nhiên đây vẫn luôn là thách thức lớn đối với các nhà quản lý giáo dục Đức. Theo thông báo, mục đích chính của hệ thống giáo dục Đức là đào tạo cho các trẻ em tị nạn nhanh chóng học ngôn ngữ, hiểu biết giá trị dân chủ, đồng thời kết hợp đào tạo nghề./.