Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (5/11) tuyên bố, châu Âu sẽ không dỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau cuộc bầu cử mà bà cho là “phi pháp” diễn ra hôm 2/11 vừa qua ở miền Đông.
Bà Merkel nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại rằng cuộc bầu cử ngày 2/11 vừa qua không phù hợp với thỏa thuận ở Minsk, cụ thể là điều 9 của thỏa thuận này. Vì thế sẽ không có khả năng giảm bớt hay dỡ bỏ lệnh trừng phạt đã được áp đặt. Chúng ta phải quay lại kế hoạch ở Minsk và đạt được một lệnh ngừng bắn sớm nhất có thể.”
Lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga được cho là “con dao hai lưỡi” đối với Liên minh châu Âu bởi nó tác động đáng kể đến một số nước thành viên song điều này không ngăn cản được những quyết định thắt chặt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Về phía Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với những yếu tố như giá dầu thế giới giảm và đầu tư nước ngoài giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của nước này và khiến đồng ruble liên tục “lao dốc” thời gian gần đây. Hôm qua (5/11), đồng nội tệ của Nga đã tụt xuống mức 45,02 ruble mới đổi được 1 USD. Đây là mức giá thấp nhất của đồng rúp so với đồng đôla trong lịch sử. Phản ứng xảy ra sau khi Ngân hàng trung ương nước này quyết định giới hạn lượng ngoại tệ bơm ra thị trường để can thiệp điều chỉnh giá đồng nội tệ hàng ngày ở mức 350 triệu USD.
Ngân hàng Trung ương Nga lý giải, quyết định này sẽ giúp tỷ giá trao đổi ngoại tệ linh hoạt hơn, nghĩa là tỷ giá này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào biến động thị trường. Điều này phù hợp với mục tiêu của Nga tiến tới thả nổi đồng nội tệ vào năm 2015. Theo số liệu chính thức, từ ngày 1 đến hết ngày 30/10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải chi ra 29,26 tỷ USD để can thiệp để giữ giá đồng ruble trong phạm vi mục tiêu./.