Chính phủ Đức ngày 10/8 sẽ họp bàn để quyết định số tiền sẽ chi ra cho Quỹ cứu trợ phục hồi nhằm khắc phục hậu quả thảm khốc của trận lụt lịch sử cách đây 1 tháng, với số tiền ước tính từ 20 đến 30 tỷ euro.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cùng lãnh đạo các bang tại Đức sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến trong ngày 10/8 để bàn về các gói cứu trợ khẩn cấp cũng như quy mô số tiền của Quỹ tái xây dựng dành cho các nạn nhân của trận lũ lụt lịch sử tại Đức vào trung tuần tháng 7/2021.
Các ước tính ban đầu, được công bố khoảng 2 tuần sau trận lụt cho thấy nước Đức có thể cần chi 10 tỷ euro để xây dựng lại nhiều cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu đường cũng như nhà dân tại hai bang bị lũ lụt phá hủy nghiêm trọng nhất là bang Rhineland-Palatinate và bang Bắc Rhine-Westphalia.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra trong ngày 9/8, Thủ hiến bang Bắc Rhine-Westphalia, ông Armin Laschet, người đồng thời đang là ứng cử viên số 1 thay thế vị trí Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel sau cuộc tổng tuyển cử liên bang cuối tháng 9/2021, cho biết, số tiền dành cho Quỹ phục hồi và tái xây dựng này có thể lên tới từ 20 đến 30 tỷ euro, tức ít nhất là cao gấp đôi dự tính ban đầu.
Đến thời điểm hiện tại, chính phủ Đức mới chỉ đang giải ngân gói cứu trợ khẩn cấp 400 triệu euro cho các nạn nhân của trận lũ lụt lịch sử. Gần 1 tháng sau trận lụt tàn khốc, công việc dọn dẹp và khắc phục hậu quả vẫn đang được tiến hành. Hiện hàng nghìn gia đình vẫn đang phải sinh sống tạm bợ trong điều kiện thiếu điện và nước sạch sinh hoạt.
Con số nạn nhân của thiên tai nghiêm trọng nhất tại Đức từ sau Thế chiến II hiện là 187 người thiệt mạng và khoảng 20 người khác vẫn đang mất tích. Cuối tuần trước, các công tố viên tại Đức đã mở cuộc điều tra nhằm vào các quan chức tại hai bang Rhineland-Palatinate và bang Bắc Rhine-Westphalia xem liệu các quan chức tại hai bang này có lơ là các cảnh báo về thiên tai, dẫn đến việc ứng phó chậm trễ với lũ lụt hay không.
Trận lụt này cũng đang tác động lớn đến chính trường Đức, vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng nữa là diễn ra cuộc tổng tuyển cử liên bang. Do cách xử lý khủng hoảng được cho là yếu kém tại bang Bắc Rhine-Westphalia cũng như scandal cười đùa trước đám đông vào thời điểm nhạy cảm, ứng cử viên hàng đầu của đảng CDU là ông Armin Laschet đang đánh mất lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận tại Đức, dù vẫn được đánh giá cao hơn các đối thủ khác từ đảng Xanh và đảng SPD./.