Dù chưa phải là quyết định cuối cùng, song  đây vẫn được xem là một thời khắc lịch sử, giúp Thủ tướng Anh Theresa May tiến gần hơn tới mục tiêu ngày 9/3 tới để có thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu về tiến trình rời khối.

brexit_vvms.jpg
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Với 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, Hạ viện Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho "dự luật Brexit", mở đường cho Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Theresa May để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Đây có thể xem là một thành công đối với chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May, bởi trước đó hơn 2/3 số nghị sĩ Anh đã bày tỏ quan điểm chống lại dự luật Brexit.

Tuy nhiên dự luật đã có bước khởi đầu khá suôn sẻ dù một số nghị sĩ vẫn còn dè dặt và thậm chí còn cho rằng nước Anh đang mắc phải “một sai lầm lịch sử”.

Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, ông David Davis nói: “Văn kiện phù hợp với phán quyết của Tòa án tối cao hôm 24/1 và cho thấy cam kết của chính phủ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức hồi giữa năm ngoái. Đây không phải là một dự luật về việc liệu nước Anh có nên rời Liên minh châu Âu hay không mà làm thế nào để làm được điều đó”.

Cũng tại cuộc bỏ phiếu hôm qua, các nghị sĩ đã bác bỏ một dự luật sửa đổi do các nghị sĩ Đảng dân tộc Scotland đề xuất, trong nỗ lực nhằm “hủy bỏ từ trong trứng nước” dự luật Brexit.

Văn kiện này cho rằng chính phủ đã không có ý định tham vấn các chính quyền địa phương, cũng như không công bố sách trắng về chiến lược của Thủ tướng Theresa May, từ chối đưa ra một sự đảm bảo đối với tình hình công dân Liên minh châu Âu đang sống tại Anh và không trả lời được một loạt câu hỏi liên quan những hệ lụy của việc nước Anh rút khỏi Thị trường chung Liên minh châu Âu.

Trước đó, các nhà phân tích cũng dự báo, dự luật sửa đổi của đảng Dân tộc Scotland ít có cơ hội được thông qua, bởi đảng bảo thủ này không huy động đủ đa số phiếu cần thiết tại Hạ viện, trong khi đảng Lao động, đảng đối lập chính đã cam kết sẽ không phong tỏa dự luật Brexit.

Sau khi được thông qua tại Hạ việt, dự luật Brexit sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận từ ngày 20/2 và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7/3 tới. Thủ tướng Theresa May đã đặt mục tiêu chính thức kích hoạt Điều 50 để rời Liên minh châu Âu vào ngày 9/3.

Để làm được điều đó, dự luật Brexit sẽ phải được thông qua ở cả lưỡng viện quốc hội. Do vậy, bà Mây đang đứng trước áp lực phải có được sự phê chuẩn nhanh chóng của Quốc hội Anh để đảm bảo thực hiện đúng cam kết với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Trước đó, Chính phủ Anh cũng đã tìm cách tự "kích hoạt" điều khoản này mà không thông qua Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết buộc Chính phủ của bà May phải nhận được sự phê chuẩn động thái này của Quốc hội./.