Quốc hội Anh hôm nay (1/2) sẽ bỏ phiếu là liệu có cho phép dự luật kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon tiếp tục được xem xét trong các phiên họp của ủy ban quốc hội từ ngày 6 đến 8/2 tới hay không.

quoc_hoi_anh_kwod.jpg
Cung điện Westminster. Ảnh: Sputnik.

Đây được xem là bước đi quan trọng hướng tới việc nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Theo kế hoạch, nếu được Hạ viện bỏ phiếu thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới các ủy ban của Hạ viện từ ngày 6 đến 8/2 tới để cân nhắc các điều khoản sửa đổi quan trọng về nhiều vấn đề như việc tiếp cận thị trường châu Âu. Sau đó, dự luật sẽ lại được chuyển tới Thượng viện để tranh luận từ ngày 20/2 tới. Nếu không có gì thay đổi, dự luật cần được Quốc hội Anh phê chuẩn vào ngày 7/3 tới.

Chính phủ Anh đang hy vọng, dự luật sẽ sớm được thông qua đúng thời hạn tại Quốc hội để Chính phủ Anh có thể kịp thời kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình chia tay mái nhà chung châu Âu vào cuối tháng 3 tới. Dự luật đã dễ dàng được thông qua tại Hạ viện, nhưng đã bị kẹt lại tại Thượng viện, nơi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May không chiếm đa số. Trong ngày hôm qua, bà May đã phải rất vất vả để bảo vệ dự luật trước các nghị sĩ đảng đối lập tại Quốc hội.

Dự luật được Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis trình lên Quốc hội ngày 26/1 vừa qua, phác thảo chiến lược đàm phán về tiến trình Brexit do chính phủ của Thủ tướng May đề xuất. Văn bản này vạch ra những đề xuất cụ thể về pháp luật trong tương lai và định hình cơ sở cho các cuộc tham vấn và thảo luận. Đây được coi là một trong những dự luật minh bạch nhất để bảo đảm hiệu lực quyết định của người dân, cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh.

Thủ tướng Anh May đang đứng trước áp lực phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội nhanh chóng do đã hứa với các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ “kích hoạt” Điều khoản 50 - thủ tục pháp lý khởi động tiến trình đàm phán 2 năm về Brexit, trước khi tháng 3 kết thúc. Trước đó, Chính phủ cũng đã tìm cách tự “kích hoạt” điều khoản này mà không thông qua Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết buộc chính phủ của bà May phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội về động thái này.

Các cuộc đàm phán rời Liên minh châu Âu của Anh dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được dự báo sẽ là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành Liên minh châu Âu./.