Ngày 24/1, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết buộc Chính phủ phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội nước này trước khi khởi động các cuộc đàm phán đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Đây có thể coi là một rào cản đối với Thủ tướng Anh Theresa May. Hành động pháp lý này một lần nữa cho thấy sự chia rẽ trong xã hội Anh sau khi cuộc trưng cầu ý dân trong tháng 6 năm ngoái với kết quả 52% phiếu bầu ủng hộ việc Anh rời EU.

brexit_mvoh.jpg
Tiến trình Brexit được đánh giá là không hề dễ dàng. (Ảnh: AP)

Chánh án Tòa án Tối cao Anh David Neuberger tuyên bố, với sự đồng ý của 8 trong tổng số 11 thẩm phán, Tòa án Tối cao Anh khẳng định, Chính phủ Anh không thể "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nếu Quốc hội không ra đạo luật cho phép làm điều này.

Chánh án Neuberger xác nhận, đa số các thẩm phán đều nhất trí cho rằng tiến trình Brexit sẽ kéo theo những thay đổi trong luật pháp Anh, do đó chính phủ phải tham vấn ý kiến từ Quốc hội.

Phán quyết này được đưa ra sau khi Chính phủ Anh kháng cáo phán quyết đưa ra hồi tháng 11/2016 của Tòa Thượng thẩm nước này, cho rằng việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động các cuộc đàm phán về Brexit, phải được Quốc hội thông qua.

Giới phân tích chính trị cho rằng đây có thể được coi là sự thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May, người đang nỗ lực muốn thực thi Brexit theo đúng lịch trình đã định. Tuần trước, bà Theresa May đã đưa ra một bản kế hoạch 12 điểm, tập trung vào các thỏa thuận tự do thương mại toàn cầu, vạch ra một tiến trình cụ thể cho cái gọi là “quá trình Brexit khó khăn”.

Phán quyết của Tòa án không chỉ tạo ra một cuộc tranh cãi về vai trò của Quốc hội trong tiến trình Brexit mà chắc chắn sẽ còn khiến bà Theresa May phải đối mặt với nhiều rào cản phía trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis hôm qua (24/1) cho biết, quyết định của Tòa án sẽ không thay đổi con đường Brexit hay thời gian biểu mà bà Theresa May đã vạch ra.

“Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ trình một dự luật nhằm tạo quyền pháp lý cho Chính phủ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Thủ tướng Anh đã lên một kế hoạch toàn diện, trong đó có các mục tiêu đàm phán cốt lõi. Thủ tướng đã khẳng định rõ rằng chúng ta muốn một mối quan hệ đối tác mới tích cực và xây dựng cho nước Anh và Liên minh châu Âu. Mối quan hệ đối tác này sẽ tốt cho Anh và phần còn lại của Châu Âu”, ông Davis nói.

Chính phủ của Thủ tướng Theresa May dự kiến chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu.

Các cuộc đàm phán này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được coi là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quyết định hôm qua của Tòa án Tối cao Anh sẽ làm chậm lại tiến trình này./.