Ngày 21/1, báo chí Thái Lan có nhiều tin bài phản ánh khá đậm nét dư luận chính giới và xã hội nước này về sự kiện ngày 23/1 tới, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm đối với cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom.
Đa số dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng, với những động thái có dụng ý chính trị trong quy trình xét xử các vụ bãi nhiệm này, thì nhiều khả năng cựu Thủ tướng Yingluck và 2 cựu quan chức chính trị nêu trên sẽ bị Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị 5 năm.
Một số chuyên gia pháp luật và đại diện đảng Vì nước Thái còn chỉ rõ rằng, Hội đồng lập pháp quốc gia và Ủy ban phòng chống tham nhũng Thái Lan đã thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua một số quy chế trong khi tiến hành xem xét bãi nhiệm; đồng thời sử dụng diễn đàn bãi nhiệm này như một cuộc "tranh luận bất tín nhiệm" để chỉ trích, hạ tuy tín của cá nhân cựu Thủ tướng Yingluck và các cộng sự của bà mà không cho họ được quyền phản biện.
Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan lấy làm tiếc rằng vụ xem xét bãi nhiệm đối với cựu Thủ tướng Yingluck lẽ ra cần được tiến hành công minh, đúng quy trình để người dân hiểu được sự cần thiết về phòng chống tham nhũng trong khi thực hiện chính sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc Hội đồng lập pháp quốc gia và Ủy ban phòng chống tham nhũng Thái Lan tiến hành xử lý gấp gáp và lộ rõ động cơ, mục đích chính trị đã khiến dư luận Thái Lan hoài nghi về tính chính đáng của vụ xem xét bãi nhiệm đối với cựu Thủ tướng Yingluck.
Một bộ phận dư luận Thái Lan còn lo ngại rằng, nếu Hội đồng lập pháp quốc gia bãi nhiệm cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhomvà cấm họ hoạt động chính trị, thì sẽ tạo ra một "tiền lệ" để Hội đồng lập pháp quốc gia tiếp tục tiến hành bãi nhiệm đối với hàng trăm nhà chính trị của đảng Vì nước Thái thân cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị trong cuộc tổng tuyển cử mới.
Điều này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị và khó có thể khôi phục được sự hòa giải, đoàn kết dân tộc như mục tiêu của chính quyền Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5 năm ngoái.
Theo đánh giá của Chính quyền Thái Lan, kết quả vụ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck và 2 cựu quan chức chính trị sẽ không gây ra làn sóng biểu tình phản đối, nhất là trong bối cảnh chính quyền đang áp dụng thiết quân luật.
Lãnh đạo phe áo đỏ cũng kêu gọi các thành viên của họ tránh manh động và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, dư luận Thái Lan nhận định rằng, chính quyền Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều hành đất nước, cũng như trong tiến trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp, nếu họ không nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của đa số người dân nước này./.