Ngày 8/3, một số tổ chức phụ nữ Thái Lan đã diễu hành phản đối Ủy ban soạn thảo Hiến pháp dự định đưa điều khoản "Thủ tướng có thể là nhân vật không qua bầu cử" vào Hiến pháp mới.
Việc Thủ tướng không qua bầu cử là một trong những nội dung của dự thảo Hiến pháp mới đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận chính giới và xã hội Thái Lan. Dư luận cũng có những bất đồng về dự thảo Hiến pháp quy định 200 thượng nghị sỹ đều không qua bầu cử trực tiếp.
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Đại học Bangkok vừa công bố ngày 7/3, đa số người được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Thái Lan có thể không qua bầu cử trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị nhưng phải quy định rõ ràng thời gian tại vị.
Tuy nhiên, đa số ý kiến phản đối việc tuyển cử toàn bộ 200 thượng nghị sỹ vì cho rằng Thượng viện phải bao gồm cả số thượng nghị sỹ qua bầu cử và số thượng nghị sỹ tuyển cử theo tỷ lệ thích hợp.
Trong khi đó, đại diện chính đảng lớn nhất của Thái Lan là đảng Vì nước Thái đã phản đối quy định của dự thảo Hiến pháp về vấn đề Thủ tướng và Thượng nghị sỹ không qua bầu cử.
Đại diện đảng Vì nước Thái và cả đại diện đảng Dân chủ cũng lên tiếng phản đối việc Ủy ban soạn thảo Hiến pháp quy định thành lập Hội đồng chỉ đạo tiến trình cải cách và Ủy ban chiến lược về cải cách (bao gồm các thành viên của Hội đồng lập pháp quốc gia và Hội đồng cải cách quốc gia hiện nay) để tiếp tục làm nhiệm vụ thúc đẩy cải cách sau tổng tuyển cử.
Các đảng này cho rằng đây là những cơ chế để chính quyền quân sự hiện nay tiếp tục chi phối chính trường Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử mới.
Trước sự phản biện của dư luận Thái Lan, đại diện Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho biết, họ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp vào dự thảo Hiến pháp mới và có thể điều chỉnh nội dung của dự thảo Hiến pháp này nhằm đảm bảo Hiến pháp mới mang tính dân chủ và được đa số người dân Thái Lan chấp nhận.
Theo dự kiến, bản dự thảo lần đầu của Hiến pháp mới sẽ được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan hoàn tất trong tháng 4 tới./.