Một ngày sau khi đình chỉ hoạt động của Quốc hội, tước quyền miễn trừ của toàn bộ các thành viên Quốc hội và cách chức Thủ tướng Hicham Mechichi, dẫn đến các cuộc biểu tình giữa 2 phe ủng hộ và phản đối quyết định này, Tổng thống Kais Saied hôm qua (26/7) tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ nay đến ngày 27/8 tới, cũng như đình chỉ hoạt động của các cơ quan hành chính Trung ương, các đơn vị hành chính công trong thời gian hai ngày để ổn định tình hình.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Kais Saied đã kêu gọi người dân bình tĩnh, không nên đổ ra đường phố biểu tình vào thời điểm này, cho rằng, điều nguy hiểm nhất mà đất nước Tunisia đang phải đối mặt chính là những cơn thịnh nộ từ bên trong. Ông cũng đồng thời bác bỏ những ý kiến nói rằng các quyết định của ông đưa ra là “hành vi đảo chính”.

“Chúng tôi yêu cầu người dân không nên đổ ra đường. Thứ nguy hiểm nhất mà đất nước và xã hội đang phải đối mặt chính là những cơn cuồng nộ từ bên trong, chiến tranh từ bên trong. Hôm nay, tôi thực thi trách nhiệm lịch sử. Những ai nói rằng, đây là cuộc đảo chính thì cần xem lại hiến pháp”.

Để làm dịu tình hình tại quốc gia Bắc Phi này, Thủ tướng Hicham Mechichi hôm qua cho biết ông sẵn sàng trao lại trách nhiệm điều hành đất nước cho người kế nhiệm mà Tổng thống chỉ định.

Dư luận Tunisia đang chia rẽ nghiêm trọng sau các quyết định của Tổng thống Kais Saied. Nhiều người dân đã đổ ra đường ủng hộ quyết định của Tổng thống, trong khi những người phản đối gọi đây là một cuộc đảo chính. Nhiều người biểu tình sau đó đã bị bắt do đụng độ bạo lực với cảnh sát. Khủng hoảng chính trị ở Tunisia nảy sinh do bất đồng chính trị giữa Tổng thống Kais Saied và chính phủ của Thủ tướng Hicham Mechichi liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng ở quốc gia Bắc Phi này.

Dư luận quốc tế đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị ở Tunisia hiện nay. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq hôm qua cho biết, Liên Hợp Quốc đang theo dõi sát tình hình Tunisia và kêu gọi các bên kiềm chế, giảm bạo lực và duy trì sự ổn định.

“Chúng tôi hy vọng rằng, tình hình Tunisia sẽ ổn định trở lại. Chúng tôi đang theo dõi để xem liệu các bên liên quan có thể đảm bảo duy trì sự ổn định cho đất nước hay không. Tunisia là một khu vực không ổn định”.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng cùng ngày cũng bày tỏ quan ngại về tình hình Tunisia. Phía Mỹ cho biết sẽ giám sát chặt chẽ tình hình Tunisia và kêu gọi các bên duy trì đối thoại. Nhà chức trách Pháp cũng kêu gọi các bên ở Tunisia tôn trọng luật pháp và kiềm chế bạo lực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia và Ngoại trưởng Tunisia hôm qua đã có cuộc điện đàm và trao đổi tình hình về quốc gia Bắc Phi này. Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh sự quan tâm của nước này đối với an ninh và sự ổn định của Tunisia, đồng thời cho biết sẽ ủng hộ các giải pháp nhằm duy trì sự ổn định tại nước này./.