Nhiều người dân nước này đổ ra đường ủng hộ quyết định của Tổng thống, trong khi những người phản đối gọi đây là một cuộc đảo chính.

Trong tuyên bố được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Saied cho biết sẽ đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một Thủ tướng mới do ông chỉ định. Tổng thống cũng khẳng định quyết định của ông là dựa trên Điều 80 của Hiến pháp.

“Đầu tiên là đóng băng tất cả các quyền của Quốc hội. Quyết định thứ hai là dỡ bỏ quyền miễn trừ của tất cả các thành viên Quốc hội. Và quyết định thứ ba là Tổng thống đảm nhận quyền hành pháp với sự giúp đỡ của chính phủ do Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm đứng đầu”.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống, quân đội Chính phủ Tunisia đã được triển khai tại thủ đô, ngăn Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi đồng thời là lãnh đạo đảng Ennahda cầm quyền vào trụ sở của cơ quan lập pháp này. 

Ông Rached Ghannouchi cũng hối thúc người dân xuống đường biểu tình để chấm dứt cái mà ông gọi là "một cuộc đảo chính”. Ông nói: “Quyết định của Tổng thống không chỉ làm người dân Tunisia mà còn thế giới bất ngờ về một đất nước, vốn luôn tự hào là nền dân chủ Arab đầu tiên và có hiến pháp mới nhất. Thực chất những diễn biến này không khác gì một cuộc đảo chính”.

Những diễn biến mới nhất này khiến Tunisia đối mặt với chia rẽ nghiêm trọng ... Đông đảo người dân Tunisia đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tunis để biểu thị sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Saied. Nhiều người quá khích còn xông vào trụ sở của Đảng Ennada đập phá đồ đạc.

Trong khi những người ủng hộ Đảng Ennahda cũng tập trung trước tòa nhà quốc hội để phản đối quyết định của Tổng thống Kais Saied. Bạo loạn đã xảy ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội khi những người thuộc hai phe ném đá vào nhau, khiến hàng trăm người bị thương.

Bất đồng chính trị nhiều năm qua tại Tunisia đã khiến nước này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế và tác động do dịch Covid-19. Mâu thuẫn hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ của Thủ tướng Mechichi được cho liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), rất cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. 

Tuy nhiên những cải cách kinh tế mới nhằm đảm bảo khoản vay này có thể ảnh hưởng đến đa phần người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công. Trước đó hàng nghìn người dân Tunisia đã tuần hành tại nhiều thành phố để phản đối đảng Ennahdha cầm quyền và Thủ tướng Mechichi, chỉ trích những điều mà họ cho là sự thất bại của chính phủ trong việc ứng phó đại dịch Covid-19./.