Những ngày qua, dư luận Mỹ và thế giới tập trung sự chú ý trước thông tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn để lấy thông tin của người sử dụng mạng Internet. Nhiều ý kiến còn cho rằng, tại một quốc gia luôn đề cao các giá trị và chủ nghĩa cá nhân như Mỹ, thì hành động thu thập thông tin người dùng Internet là một hành vi xâm phạm không thể chấp nhận được.
Hôm qua, Ủy ban châu Âu cho biết, cơ quan này lấy làm lo ngại về chương trình giám sát Internet của Mỹ, gọi tắt là (PRISM), đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ làm sáng tỏ vấn đề.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Ủy viên châu Âu Tonio Borg tuyên bố, những chương trình kiểu như PRISM, cũng như những quy định luật pháp cho phép tồn tại chương trình kiểu này gây nguy hại tới quyền cơ bản của công dân châu Âu được bảo vệ thông tin cá nhân. Vụ việc sẽ làm gia tăng lo ngại của người dân khi đưa thông tin cá nhân lên mạng.
Ông Tonio Borg cũng nhấn mạnh về “những bất đồng tư pháp” giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Theo ông, nếu tại Mỹ, hệ thống tư pháp quy định, công dân Mỹ và người sống tại Mỹ được hưởng sự bảo vệ của Hiến pháp, thì tại Liên minh châu Âu, tất cả mọi người đều được hưởng sự bảo vệ này, bởi đây là một trong những quyền cơ bản, dù đó là người mang quốc tịch gì. Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ đưa ra những giải thích để làm sáng tỏ bản chất chương trình giám sát internet.
Ở trong nước, Nhà Trắng cũng đối mặt với sức ép đang tăng trong việc đưa ra lời giải thích về chương trình giám sát của Mỹ. Tại NewYork, Hiệp hội tự do công dân của Mỹ Civil Liberties Union) đã đệ đơn kiện tại tòa án liên bang về tính hợp pháp của chương trình giám sát điện thoại và nói rằng chương trình này vi phạm tự do ngôn luận và sự riêng tư.
Alex Abdo-luật sư người Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang kiện chính phủ và một số Cơ quan của chính phủ cùng Cơ quan an ninh quốc gia, FBI, Bộ tư pháp về hành vi thực hiện giám sát khách hàng. Mỗi khi khách hàng gọi điện thoại thì chính phủ theo dõi các cuộc gọi. Họ theo dõi mọi cuộc gọi của chúng ta. Chương trình là là một sự thách thức mà chúng ta phải đối mặt”.
Một số chính khách cho rằng những gì được tiết lộ về chương trình này đã làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ sự riêng tư của công dân bị xâm phạm. Họ cũng chất vấn rằng liệu chương trình giám sát Internet có vượt quá giới hạn cho phép hay không, hoặc chương trình này có chịu sự giám sát hiệu quả và đầy đủ của quốc hội hay không.
Tuy nhiên, một số Nghị sỹ cũng chỉ trích hành động tiết lộ thông tin của Edward Snowden người làm rò rỉ thông tin về chương trình theo dõi bí mật những người dùng mạng và điện thoại của chính phủ Mỹ, các Nghị sỹ coi đây là hành động phản quốc.
Kể từ khi công khai danh tính với tờ “Người bảo vệ” (Guardian) hôm 9/6, Snowden ngay lập tức đã trở thành người hùng trong mắt những người ủng hộ sự minh bạch và chủ nghĩa tự do khắp thế giới. Theo đài BBC, hơn 30.000 người ký vào một kiến nghị trực tuyến thúc giục Tổng thống Barack Obama ân xá cho Snowden ngay cả khi anh ta chưa bị buộc tội. Ngoài ra, đã xuất hiện nỗ lực quyên tiền để giúp trang trải chi phí pháp lý cho Snowden trong trường hợp xấu nhất.
Trong khi Mỹ buộc tội phản quốc và ráo riết truy lùng Snowden thì hành tung người này vẫn đang là một ẩn số.
CNN ngày11/6 đưa tin, Snowden đang “mất tích” sau khi trả phòng khách sạn tại Hồng Kông. Tuy nhiên, cựu nhân viên CIA 29 tuổi được cho là vẫn còn ở đặc khu kinh tế này.
Tuần trước, báo “Người bảo vệ” của Anh và tờ “Bưu điện Washington” của Mỹ đã tiết lộ thông tin về sự tồn tại của chương trình giám sát Internet do Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ xây dựng cách đây 6 năm nhằm thu thập thông tin về những người sử dụng internet, cho phép truy cập thư điện tử thu thập các cuộc nói chuyện video, âm thanh, hình ảnh, tài liệu… từ máy chủ trung tâm của 9 công ty mạng internet hàng đầu của Mỹ. /.