Trong lúc Chính phủ Mỹ đang lúng túng vì chương trình tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc Gia (NSA) thu thập thông tin về những người sử dụng Internet, gọi tắt là PRISM, bị đưa ra công luận, ngày 9/6, một cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã khẳng định mình là người tiết lộ các nội dung nhạy cảm này.
Edward Snowden, 29 tuổi, từng là trợ lý kỹ thuật cho CIA và đã làm việc 4 năm tại NSA (Ảnh Reuters) |
Người tiết lộ chương trình PRISM là Edward Snowden, 29 tuổi, từng là trợ lý kỹ thuật cho CIA và đã làm việc 4 năm tại NSA với tư cách là nhân viên của nhà thầu bên ngoài như Dell và Booz Allen Hamilton. Trả lời phỏng vấn tờ "Người bảo vệ" (The Guardian) của Anh, Snowden đã tuyên bố mục đích tiết lộ chương trình PRISM của anh là muốn người dân Mỹ biết về chương trình giám sát khổng lồ này nhằm bảo vệ quyền tự do của mọi công dân và không muốn Chính phủ Mỹ hủy hoại tính cá nhân và sự tự do của Internet. Theo báo trên, kỹ thuật viên này đã lên kế hoạch cách đây 3 tuần, và đã xin nghỉ phép sau khi sao chép các tài liệu mật tại văn phòng của NSA tại Hawaii, trước khi tới Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 20/5 vừa qua. Snowden cho biết anh công bố danh tính vì "không làm điều gì sai trái".
Bất ngờ trước lời thú nhận của cựu nhân viên NSA, một người phát ngôn của cơ quan này cho biết sẽ tiến hành làm rõ những tổn thất do vụ tiết lộ này gây nên, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ các thông tin mật và tôn trọng luật pháp của những người nắm giữ những thông tin mật đó. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper đã đề nghị mở cuộc điều tra hình sự, cho rằng tiết lộ này đã gây tổn thất khổng lồ cho ngành tình báo Mỹ. Trong lúc tình hình rối ren và không có nhiều thuận lợi đối với Chính quyền Tổng thống Mỹ Barak Obama, Nhà Trắng và CIA đã từ chối đưa ra bình luận đối với vụ việc này.
Lo ngại dính líu đến cựu nhân viên CIA trên, trong một thông cáo, Công ty Booz Allen Hamilton xác nhận Snowden đã cộng tác với công ty này trong khoảng 3 tháng, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với giới chức tình báo Mỹ nhằm làm rõ vụ tiết lộ thông tin chấn động nước Mỹ này. Ngược lại, hãng công nghệ Dell lại từ chối bình luận.
Trước đó, ngày 6/6, nước Mỹ bị chấn động bởi thông tin về sự tồn tại của PRISM do NSA xây dựng cách đây 6 năm, một chương trình thu thập thông tin về những người sử dụng internet, cho phép truy cập thư điện tử thu thập các cuộc nói chuyện video, âm thanh, hình ảnh, tài liệu… từ máy chủ trung tâm của 9 công ty mạng internet hàng đầu của Mỹ là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, AOL, Skype, YouTube, Apple và PalTalk. Vụ tiết lộ này được "Người bảo vệ” và “Bưu điện Washington” đăng tải, đã làm dấy lên những lo ngại liên quan đến tự do mạng và rò rỉ thông tin cá nhân. Trong một ứng nhanh, Tổng thống Obama đã lên tiếng bảo vệ PRISM, còn Giám đốc Clapper khẳng định trước khi được đưa vào sử dụng, PRISM đã phải thông qua sự chấp thuận của tòa án để đảm bảo rằng chương trình này chỉ được áp dụng đối với "những cá nhân không phải công dân Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ". Những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ./.