Ngày 11/6, Ủy ban châu Âu cho biết, cơ quan này lấy làm lo ngại về chương trình giám sát internet của Mỹ, gọi tắt là PRISM, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ làm sáng tỏ vấn đề.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Ủy viên châu Âu Tonio Borg tuyên bố, những chương trình kiểu như PRISM, cũng như những quy định luật pháp cho phép tồn tại chương trình kiểu này gây nguy hại tới quyền cơ bản của công dân châu Âu được bảo vệ thông tin cá nhân. Vụ việc sẽ làm gia tăng lo ngại của người dân khi đưa thông tin cá nhân lên mạng.

Ông Tonio Borg cũng nhấn mạnh, “những bất đồng về tư pháp” giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Theo ông, nếu tại Mỹ, hệ thống tư pháp quy định, công dân Mỹ và người sống tại Mỹ được hưởng sự bảo vệ của Hiến pháp, thì tại Liên minh châu Âu, tất cả mọi người đều được hưởng sự bảo vệ này, bởi đây là một trong những quyền cơ bản, dù đó là người mang quốc tịch gì. Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ đưa ra những giải thích để làm sáng tỏ bản chất chương trình giám sát internet. Vấn đề sẽ được đề cập tại cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Liên minh châu Âu và Mỹ dự kiến vào ngày 14/6 tới Ireland.

Tuần trước, báo “Người bảo vệ” của Anh và tờ “Bưu điện Washington” của Mỹ đã tiết lộ thông tin về sự tồn tại của PRISM do Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ xây dựng cách đây 6 năm nhằm thu thập thông tin về những người sử dụng internet, cho phép truy cập thư điện tử thu thập các cuộc nói chuyện video, âm thanh, hình ảnh, tài liệu… từ máy chủ trung tâm của 9 công ty mạng internet hàng đầu của Mỹ. Vụ tiết lộ này đã gây chấn động nước Mỹ và làm dấy lên những lo ngại liên quan đến tự do mạng và rò rỉ thông tin cá nhân./.