Tuy nhiên, dư luận vẫn còn hoài nghi về khả năng Nội các mới có thể giải quyết hàng loạt thách thức về đối nội và đối ngoại của Nhật Bản. 

Nội các cũ của ông Abe có quãng thời gian hoạt động dài kỷ lục so với nội các của những Thủ tướng khác cầm quyền từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. 

abe_fndg.jpgThủ tướng Shinzo Abe và các nữ Bộ trưởng trong Nội các mới của ông (Ảnh Reuters)

Tuy nhiên sự thay đổi là cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Nội các cũ của Thủ tướng Shinzo Abe thời gian gần đây đã giảm xuống còn khoảng 50% so với mức 70% khi ông mới nhậm chức. 

Trong đợt cải tổ nội các này, ông Abe muốn thể hiện cam kết củng cố nữ quyền trên chính trường, thu hút sự ủng hộ của nữ cử tri, đồng thời củng cố quyền lực của ông Abe nhằm tiếp tục triển khai những chính sách kinh tế quyết liệt hơn trong thời gian tới. 

Phát biểu trong ngày đầu tiên Nội các mới hoạt động, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe cho biết: “Tôi sẽ tạo ra 1 sự khởi đầu mới từ ngày hôm nay với nguồn năng lượng trí tuệ mới để khôi phục kinh tế và tái sinh những khu vực hẻo lánh”. 

Danh sách Nội các vừa cải tổ có 12 gương mặt mới và có tới 5 nữ Bộ trưởng. Đây là số lượng nữ Bộ trưởng kỷ lục mà Nhật Bản có kể từ Chính phủ của ông Junichiro Koizumi năm 2001. 

Theo một thăm dò của Liên Hợp Quốc thì hiện Nhật Bản chỉ đứng thứ 127 trong bảng xếp hạng các nước có nhiều tỷ lệ nữ Nghị sỹ. Vì thế sự bổ sung các gương mặt nữ Bộ trưởng sẽ góp phần to lớn vào mục tiêu của ông Abe, nâng tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong cả khu vực công và khu vực tư nhân lên ít nhất 30% vào năm 2020. 

Trong số các nữ Bộ trưởng, bà Yuko Obuchi, 40 tuổi, con gái cựu Thủ tướng Keizo Obuchi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Tuy nhiên, Yuriko Nozaki một nữ cử tri Nhật Bản tỏ ra chưa mấy ấn tượng với sự thay đổi này.

“Tôi không nghĩ họ nhìn thấy những người thật sự phải chịu đựng cực khổ. Vị nữ Bộ trưởng đó cũng có con cái nhưng bà sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị nên sẽ không hiểu được tâm tư của những bà nội trợ bình thường phải nuôi con mà không có thu nhập nào”, bà Nozaki nói. 

Về kinh tế, đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nội các mới. Giới quan sát nhận định, Nội các mới của Nhật Bản có thể tiếp tục tăng thuế tiêu dùng sau khi đã tăng thuế hồi tháng 4 vừa qua. 

Tuy nhiên, thị trường chưa có phản ứng tích cực với những thay đổi này, thậm chí chỉ số chứng khoán Nhật Bản ngày 4/9 còn giảm nhẹ. Chỉ số Nikkei trung bình ngày 3/9 cũng giảm 0,3%. 

Anh Yuichi Takenouchi, một người lao động thất nghiệp bày tỏ: “Họ cứ nói đi nói lại về chính sách kinh tế của ông Abe nhưng đối với 1 người bình thường như tôi thì điều đó chưa tác động đến chúng tôi là mấy. Lương cơ bản có tăng đấy nhưng thực tế là thuế cũng tăng theo”. 

Bên cạnh đó, thành phần Nội các mới của ông Abe cũng được cho là khó cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc do những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và vấn đề lịch sử. 

Trưởng khoa nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple của Nhật Bản Jeffrey Kingston nhận định: “Ông Abe cho biết nội các mới tất cả đều xoay quanh chính sách kinh tế Abenomics. Điều này không chính xác. Điều này truyền cảm hứng cho nội các về mặt tư tưởng. Tuy nhiên phần đông các thành viên Nội các ủng hộ những chuyến thăm đền Yasukuni và ủng hộ chủ nghĩa xét lại lịch sử. Có thể thấy Nội các này sẽ không phải là cành ôliu đối với Trung Quốc và Hàn Quốc”. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe vẫn giữ lại một số vị trí chủ chốt như Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari và Ngoại trưởng Fumio Kishida. 

Điều này đảm bảo những trụ cột về kinh tế và ngoại giao của Nhật Bản không bị xáo trộn. Rõ ràng còn rất nhiều hoài nghi về sự thay đổi trong Chính phủ của ông Abe nhưng hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán hiệu quả của Nội các mới ở Nhật Bản./.