Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới hôm nay (29/10) đã chính thức khai mạc tại thủ đô London, Anh. Hội nghị  năm nay có sự tham dự của  2 .700 đại diện đến từ 85 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo các nước Hồi giáo như: Quốc vương Bruney Hassanal Bolkiah, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Thái tử Barain Salman bin Hamad Al Khalifa. Đây là lần đầu tiên diễn đàn này được tổ chức tại một nước phi Hồi giáo, cho thấy vai trò ngày càng tăng của Anh trong lĩnh vực tài chính Hồi giáo. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã nhấn mạnh ý nghĩa này: “Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới được tổ chức tại một quốc gia không phải là Hồi giáo. Đây là một bằng chứng, một cơ hội góp phần tăng cường những nỗ lực thành công của Anh cũng như tăng cường sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới trên khu vực và thế giới. Diễn đàn đang ngày càng có một chỗ đứng quan trọng và có ý nghĩa để thế giới Hồi giáo và không hồi giáo trao đổi ý tưởng với nhau.”

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết: Anh sắp trở thành nước phi Hồi giáo đầu tiên phát hành trái phiếu tuân thủ luật tài chính Hồi giáo Sharia nhằm thu hút các khoản đầu tư lớn từ các nước Hồi giáo. Theo đó, Bộ Tài chính Anh đang soạn thảo kế hoạch phát hành trái phiếu Sukuk, một dạng vay tuân thủ luật tài chính Hồi giáo Sharia trị giá 200 triệu bảng. Trái phiếu này sẽ đưa Anh trở thành nước phi Hồi giáo đầu tiên tiếp cận với các nguồn đầu tư khổng lồ từ các nước Hồi giáo với tổng giá trị có thể vượt 1.300 tỷ bảng vào năm tới. Thủ tướng Cameron nhấn mạnh sẽ là “sai lầm” nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư Hồi giáo vào Anh.

Hiện tại, Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) đang chuẩn bị giới thiệu Chỉ số thị trường Hồi giáo để giúp các nhà quản lý quỹ Sharia xác định các cơ hội đầu tư mới. Theo tính toán, việc phát hành trái phiếu Sukuk sẽ giúp Anh thu về hàng tỷ bảng từ các nhà đầu tư Hồi giáo, bên cạnh những khoản thu từ các dịch vụ và sản phẩm tài chính Hồi giáo đang được cung cấp tại 20 ngân hàng.

Anh là nước có số ngân hàng cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính Hồi giáo nhiều nhất ở châu Âu và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các nguồn tin tài chính tại Anh cho biết, trong 5 năm qua, nước này đã cho phép gần 50 trái phiếu Sukuk các loại (do các nước khác phát hành) được niêm yết trên thị trường London với tổng giá trị lên tới 34 tỷ USD, 21 tỷ bảng Anh.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2006 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới quy tụ người đứng đầu chính phủ các nước, người đứng đầu các nền công nghiệp, các học giả và chuyên gia trên thế giới nhằm thảo luận cơ hội hợp tác kinh doanh trong thế giới hồi giáo. Diễn đàn Kinh tế Hồi giáo Thế giới diễn ra trong hai ngày./.