Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền ở Tunisia và phe đối lập hôm 25/10 đã bắt đầu các cuộc đối thoại dân tộc để thành lập một chính phủ lâm thời và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào đầu năm tới theo một thỏa thuận được thiết lập trước đó, nhằm chấm dứt nhiều tháng bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này.

Cuộc thảo luận trực tiếp giữa đảng Ennahda và phe đối lập có sự tham gia của tất cả các chính đảng trong Nghị viện Tunisia. Trước đó, nó đã bi trì hoãn nhiều lần do những mâu thuẫn trong nội bộ nước này.

Trước những nghi ngờ của phe đối lập và người dân Tunisia về tuyên bố từ chức hôm 23/10 vừa qua của Chính phủ do Đảng Ennahda Hồi giáo cầm quyền và để tổ chức được cuộc đối thoại mang tính quyết định này, Thủ tướng Ali Larayedh đã phải đưa ra một cam kết bằng văn bản cụ thể rằng, chính phủ của ông sẽ từ nhiệm sau 3 tuần đàm phán nếu thành công. 

dang%20enahda.jpg
Các đại diện Đảng Enahda (ảnh: HunffingtonPost)

Hiện chưa rõ kết quả của cuộc đối thoại dân tộc sẽ như thế nào, nhưng phát biểu trên các phương tiện truyền thông và trang mạng cá nhân, những bên tham gia đều tỏ ra rất kỳ vọng vào sự kiện quốc gia mang tính quyết định lần này.  

Cựu Ngoại trưởng Tunisia dưới thời Tổng thống bị lật đổ Ben Ali, lãnh đạo đảng chính trị trung dung "The Initiative", ông Kamel Morjane nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là đối thoại , và rằng chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là một Thỏa thuận cho tương lai của Tunisia".

Còn lãnh tụ đảng Đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền Rachen Ghanuchi cũng bày tỏ tin tưởng rằng khủng hoảng chính trị ở quốc gia Bắc Phi này sẽ sớm được giải quyết: “Bây giờ chuyến tàu giải quyết  khủng hoảng của Tunisia đã sẵn sàng lăn bánh và nó sẽ tới đích trong một vài tháng tới. Chúng tôi hy vọng rằng một cuộc bầu cử minh bạch và sáng suốt cuối cùng sẽ tạo ra một nền dân chủ đầu tiên trong thế giới Arab”.

Chủ tịch Tổ chức công đoàn UGTT của Tunisia, ông Houcine Abassi cho biết việc đầu tiên cần đạt được trong cuộc đối thoại là thiết lập một Ủy ban để giải quyết 3 vấn đề, đó là thành lập một chính phủ kỹ trị lâm thời, soạn thạo Hiến pháp mới và  ấn định ngày của các cuộc bầu cử trong tương lai. Trong khi Đảng cầm quyền mong muốn các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 6 tháng nữa thì phe đối lập cho rằng phải muộn hơn để có thêm thời gian chuẩn bị.

Tunisia rơi vào cuộc khủng hoảng mới sau khi cựu thủ lĩnh đảng Phong trào Nhân dân đối lập Mohamed Brahmi bị ám sát ngày 25/7 vừa qua. Phe đối lập ở Tunisia đã phát động các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước đòi Chính phủ do phe Hồi giáo lãnh đạo từ chức. Lực lượng biểu tình chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Ali đã thất bại trong việc kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan, cáo buộc đảng cầm quyền phạm phải những sai lầm mà tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập từng làm như thất bại trong việc cải thiện tình hình kinh tế trong nước, chỉ mải mê củng cố quyền lực và muốn áp đặt luật Sharia của đạo Hồi vào Hiến pháp mới ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo giới phân tích, việc đảng Hồi giáo cầm quyền ở Tunisia tuyên bố sẵn sàng từ chức và tham gia hòa đàm là nhằm tránh đưa quốc gia này đi vào vết xe đổ của Ai Cập cũng như để tránh đẩy Tunisia rơi vào vòng xoáy bạo lực mới. Nhà phân tích chính trị khu vực Bắc Phi Issandr El Amrani nhận định, việc các bên ở Tunisia tiến hành đối thoại dân tộc là bước đi đúng hướng nhằm mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở nước này./.