Tại Syria, người dân đón lễ Eid al-Adha trong bối cảnh các cuộc xung đột vẫn diễn ra tại thủ đô Damascus và nhiều vùng khác. Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các bộ trưởng đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia trong buổi lễ cầu nguyện tại một đền thờ ở Damascus mở đầu cho ngày lễ Hồi giáo Eid al-Adha.

Trong khi đó những người tị nạn Syria ở Jordani lại đón thêm một lễ Eid Al-adha trong cảnh ly tán, xa quê hương, gia đình và bạn bè.

islam_copy.jpg
Những người Hồi giáo dự lễ Eid al-Adha tại 1 nhà thờ (Ảnh Alarabiya)

Anh Ahmad Oweis, người tị nạn Syria nói: “Chúng tôi luôn cầu mong trong dịp lễ Eid al-Adha chúng tôi có thể ở Syria, cùng với gia đình và bạn bè. Gia đình tôi đang ly tán, người ở lại Damascus, còn chúng tôi thì buộc phải rời khỏi Syria”.

Người dân Iraq cũng phải đón một lễ Eid Al-Adha không trọn vẹn khi một quả bom phát nổ ngay bên ngoài nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni ở thành phố Kirkuk làm 8 người thiệt mạng.  

Nhiều người Hồi giáo Iraq dòng Sunni đã tập trung trước cửa các đền thờ để cầu nguyện, với mong muốn tiếng súng, tiếng bom sẽ ngừng vang lên và hòa bình sẽ đến với đất nước này.

Một tín đồ Hồi giáo bày tỏ: “Tôi hy vọng tình hình bất ổn tại Iraq hiện nay sẽ sớm chấm dứt. Hòa bình và ổn định sẽ trở lại với Iraq.”

Lễ Eid al-Adha tại Pakistan diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Vì vào ngày này hàng năm, lực lượng Taliban thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom liều chết nhằm vào các tín đồ Hồi giáo nhằm gây bất ổn trên khắp đất nước.

Hàng nghìn binh sỹ và cảnh sát cùng lực lượng bán quân sự có mặt tại các nhà thờ Hồi giáo để đảm bảo an ninh. Sau lễ cầu nguyện vào buổi sáng, ông Shoaib Mehmood- Một người dân Pakistan cho biết: "Hôm nay là Eid al-Adha. Chúng tôi đang giết mổ động vật để tưởng  nhà tiên tri Abraham. Sau đó chúng tôi chia thịt cho những người nghèo, bạn bè và gia đình trong dịp này".

Còn tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, các quan chức chính phủ Palestin cũng cầu nguyện với hy vọng về một tương lai tốt đẹp, về hòa giải dân tộc và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình với Israel.

Trước ngày diễn ra lễ  Eid al-Adha các lãnh đạo của Fatah và Hamas đã có cuộc điện đàm và thống nhất, hai bên sẽ tiến hành hòa giải vì một dân tộc Palestin đoàn kết.         Bất chấp tình trạng an ninh được thắt chặt nhân dịp lễ, các tín đồ Hồi giáo Ai Cập vẫn đổ xuống đường ăn mừng một trong những dịp lễ hội tôn giáo lớn nhất trong năm. Theo truyền thống, trong ngày này người Hồi giáo sẽ dành thời gian cùng thưởng thức bữa ăn bên gia đình.

Bà Somia Ghanem, người dân Cairo cho biết: “Đây là truyền thống của gia đình. Chúng tôi sẽ nướng thịt vào buổi sáng còn buổi chiều thì đại gia đình sẽ tụ tập cùng nhau ăn các món ăn truyền thống”.

Nhiều quốc gia có đông cộng đồng Hồi giáo sinh sống cũng tổ chức nhiều hoạt động đón lễ Eid Al-Adha. Tại Philippines, khoảng 2.000 người Hồi giáo đã tập trung về công viên Rizal ở trung tâm Thủ đô Manila để mừng lễ và cầu nguyện.

Sau đó, nhiều gia đình còn tổ chức các cuộc vui chơi ngoài trời và cùng thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như bánh gạo và mì xào. Hàng triệu người Hồi giáo tại Indonesia cũng đã tưng bừng tham gia lễ khi nhiều người đổ về thánh đường lớn Istiqlal ở Thủ đô Jakarta cầu nguyện bình yên và hạnh phúc.

Lễ Eid al-Adha là dịp để người Hồi giáo khắp nơi tưởng nhớ việc nhà tiên tri Abraham sẵn sàng hiến tế con trai của mình cho thần thánh. Đây cũng là dịp để người theo đạo Hồi cầu nguyện, viếng thăm gia đình, bạn bè, tặng quà cho trẻ em. Theo truyền thống, lễ Eid Al-adha sẽ kéo dài trong 3 ngày./.