Liên Hợp Quốc khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền:Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Kết quả cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 là 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng, đủ để khai trừ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền có trụ sở tại Genève.
Sau quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin tuyên bố, "Liên bang Nga đã quyết định sớm chấm dứt quyền thành viên của Hội đồng Liên Hợp Quốc về nhân quyền từ ngày 7/4/2022".
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại UNHRC là “bất hợp pháp”. "Phía Nga coi nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 7/4 tại New York đình chỉ tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị, nhằm trừng phạt một cách thách thức một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có chủ quyền hiện đang theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”, Bộ này nêu rõ.
EU thông qua vòng trừng phạt thứ 5 đối với Nga:Các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã nhất trí về lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga trong khuôn khổ vòng trừng phạt thứ 5 đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng Nga. Pháp – nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu cho biết gói biện pháp trừng phạt mới đã được Ủy ban các đại diện thường trực của EU thông qua.
Mỹ rút khỏi đối thoại an ninh mạng với Nga:Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Oleg Khramov ngày 7/4 cho biết Mỹ đã đơn phương đóng các kênh liên lạc với Nga liên quan đến an ninh mạng. “Nhà Trắng hiện đã thông báo cho chúng tôi rằng họ đơn phương rút khỏi quá trình đàm phán và đóng kênh liên lạc", ông Khramov thông báo.
Quốc hội Mỹ thông qua việc thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga và Belarus. Cả hai dự luật về thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga và Belarus và đình chỉ nhập khẩu năng lượng từ Nga đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua trong ngày 7/4 và đã được trình lên Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Việc thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc sẽ cho phép chính quyền Tổng thống Biden áp thuế ở mức cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus so với các quốc gia thành viên khác thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nga cấm Thủ tướng Australia và Thủ tướng New Zealand nhập cảnh:Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Australia và New Zealand để đáp trả những lệnh trừng phạt của hai nước này nhằm vào Moscow.
Belarus muốn tham gia cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine:Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei ngày 7/4 cho biết, nước này đã thông báo cho Nga và Ukraine về sự cần thiết phải xúc tiến các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột, đặc biệt bằng cách để Belarus tham gia cuộc đàm phán cuối cùng giữa hai bên. Hãng thông tấn Belta dẫn lời ông Makei nêu rõ: “Cả Nga và Ukraine đã được thông báo rằng Belarus cần phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình”.
Australia viện trợ Ukraine 20 xe bọc thép:Chính phủ Australia đã quyết định viện trợ Ukraine 20 xe bọc thép do nước này tự sản xuất, trong đó có các phiên bản chở quân và tải thương. Lô hàng viện trợ thiết bị quân sự dự kiến sẽ khởi hành đi Ukraine trong ngày hôm nay (8/4).
Nga đã rút hoàn toàn lực lượng khỏi phía Bắc Ukraine:Quân đội Nga đã “rút hoàn toàn” khỏi phía Bắc Ukraine, CNN dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh ngày 8/4 cho biết trong một đánh giá tình báo quân sự mới nhất. Theo Bộ Quốc phòng Anh, một số binh sỹ Nga đã được điều động đến miền Đông Ukraine để chiến đấu tại khu vực Donbass.
Nga và Ukraine cáo buộc nhau tấn công nhà ga ở Kramatorsk khiến gần 130 người thương vong:Hãng thông tấn TASS của Nga và nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin, ít nhất 30 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương sau khi một quả tên lửa nhắm trúng ga tàu tại khu vực Kramatorsk do Ukraine kiểm soát vào ngày 8/4. Phía Ukraine cáo buộc Nga gây ra vụ tấn công này, tuy nhiên Nga đã bác bỏ cáo buộc. Quân đội Nga tuyên bố họ không lên kế hoạch thực hiện bất cứ hoạt động nào tại khu vực Kramatorsk và cho rằng những cáo buộc nói trên là "hành động khiêu khích hoàn toàn không liên quan đến thực tế”./.