Virus corona chủng mới hầu như ảnh hưởng rất ít đến sức khỏe con người ngoại trừ một vài cơn ho, nếu như loại virus này chỉ tồn tại ở mũi hoặc cổ họng của chúng ta. Nguy hiểm sẽ ập đến khi chủng virus này tiến vào phổi.

Cứ 1 trong số 7 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 sẽ bị khó thở và trải qua các triệu chứng phức tạp khác trong khi 6% ở tình trạng nghiêm trọng. Những bệnh nhân này sẽ bị suy giảm hệ hô hấp và các cơ quan quan trọng khác, đồng thời thỉnh thoảng sẽ trải qua tình trạng sốc nhiễm trùng huyết, một báo cáo chung hồi tháng trước của đội ngũ chuyên gia Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

cv_ucdb.jpg

Dịch Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là qua tiếp xúc với giọt bắn có chứa virus khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc thở. Ảnh: Reuters

Quá trình diễn biến từ "nhẹ" và "trung bình" sang "nghiêm trọng" có thể diễn ra "rất, rất nhanh chóng", Bruce Aylward - trợ lý Tổng giám đốc WHO cho biết. Ông Bruce Aylward là người đồng dẫn đầu phái đoàn của tổ chức này tới Trung Quốc và đã xem xét dữ liệu từ 56.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Hiểu được diễn biến của dịch bệnh và xác định các cá nhân có nguy cơ cao nhất là điều kiện quan trọng cho quá trình đánh giá mức độ quan tâm đối với dịch bệnh đã lây lan trên toàn cầu và khiến hơn 3.700 người tử vong này.

Khoảng 10 - 15% các bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình phát triển thành tình trạng nghiêm trọng và trong số này 15-20% phát triển thành trạng thái vô cùng nguy kịch. Các bệnh nhân có nguy cơ cao nhất là những người ở độ tuổi 60 hoặc lớn hơn, cũng như những người mắc các bệnh nền khác như cao huyết áp, đái tháo đường và các bệnh về tim mạch.

Dịch Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là qua tiếp xúc với giọt bắn có chứa virus khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc thở.

Quá trình lây nhiễm nhìn chung bắt đầu từ mũi. Khi vào trong cơ thể, virus corona chủng mới sẽ tấn công các tế bào biểu mô chịu trách nhiệm bảo vệ cơ quan hô hấp, Taubenberger - một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia ở Bethesda, bang Maryland cho biết. Nếu có thể kiểm soát chủng virus này ở đường hô hấp phía trên, bệnh thường ít nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiến, nếu virus đi xuống khí quản tới các vùng ngoại biên của hệ hô hấp và các tế bào phổi, chúng có thể khiến tình trạng của bệnh nhân rơi vào giai đoạn nghiêm trọng hơn. Điều này là do virus trực tiếp gây nên bệnh viêm phổi cấp, phá hủy cơ quan này, cộng thêm với những tổn thương sau đó do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với sự viêm nhiễm.

"Cơ thể của bạn sẽ ngay lập tức cố gắng "sửa chữa" sự tổn thương này ở phổi vào thời điểm khi nó bắt đầu diễn ra. Bình thường nếu quá trình diễn ra thuận lợi, khu vực bị viêm nhiễm sẽ khỏi sau một vài ngày", ông Taubenberger cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng phân tích thêm, trong một vài trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng hơn, những nỗ lực tự chữa lành của cơ thể quá mạnh mẽ, dẫn đến sự phá hủy không chỉ với các tế bào nhiễm virus mà còn cả các tế bào khỏe mạnh. Điều này sẽ khiến phổi của chúng ta dễ bị tổn thương trước sự nhiễm trùng thứ phát. Thủ phạm tiềm ẩn gây ra tình trạng này có thể bao gồm các loại vi khuẩn, thường ở mũi và cổ họng, cũng như các loại vi khuẩn có ở bệnh viện, đặc biệt trong môi trường của các máy thở.

Nhiễm trùng thứ phát là một mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm bởi chúng có thể giết chết các tế bào quan trọng trong hệ hô hấp và khiến những tế bào này không thể hoạt động khỏe mạnh trở lại. Nếu không có những tế bào này, "phổi của bạn sẽ không thể hồi phục lại", Taubenberger cho biết. Phổi bị tổn thương sẽ chiếm oxy của những cơ quan quan trọng khác gây ra suy thận, gan, não và tim.

"Khi tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ, mọi thứ sẽ bắt đầu tách rời hệ thống. Bạn sẽ vượt qua điểm bùng phát, khi mà mọi thứ đều xuống dốc và ở một thời điểm nào đó, bạn không thể quay trở lại tình trạng ban đầu", David Morens - cố vấn khoa học cấp cao của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết.

Điểm bùng phát có lẽ xảy ra sớm hơn ở những người cao tuổi và khi làm thí nghiệm, điều này cũng thường xảy ra với những con chuột sống lâu hơn,  Stanley Perlman - giáo sư về vi sinh học và miễn dịch học tại Đại học Iowa ở thành phố Iowa, người đã dành 38 năm nghiên cứu về virus corona cho biết.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là những người trẻ hơn sẽ chống chọi được tốt hơn với dịch bệnh. Bác sĩ Lý Văn Lượng - một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, một trong những người đầu tiên cảnh báo về virus corona chủng mới ở Vũ Hán, đã qua đời hồi tháng trước sau khi được điều trị kháng thể, kháng virus, kháng sinh, cùng với quá trình bơm oxy và máu qua một lá phổi nhân tạo, là một ví dụ.

Ngoài ra, một số người có lẽ về mặt gien sẽ dễ nhiễm bệnh hơn, có thể bởi vì họ có nhiều hơn các protein trong các tế bào biểu mô hô hấp mà virus thường nhắm tới, ông Taubenberger cho biết. Điều này cũng có thể xuất hiện ở những cá thể nhất định với hệ thống miễn dịch yếu hơn hoặc mắc các bệnh nền khác./.