Dexter Lensing hàng ngày vẫn theo dõi sát sao tin tức về dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) – dịch bệnh cho đến nay đã làm 1.367 người tử vong và hơn 60.000 người nhiễm trên toàn thế giới. Lensing, 33 tuổi, là một nghiên cứu sinh trong số gần nửa triệu người nước ngoài đang theo học tại các trường đại học ở Trung Quốc, họ buộc phải lựa chọn giữa đi hay ở khi dịch bệnh xảy ra.

sinh_vien_lo_ngai_corona_wurq.jpg
Kathy Song (người Mỹ gốc Hoa) đang tập viết chữ tiếng Trung tại nhà chú, dì ở Bắc Kinh hôm 31/1. Ảnh: New York Times.

Trong nhiều thập kỷ, những sinh viên như Lensing đã và đang đóng vai trò là cầu nối về chính trị, văn hóa, ngôn ngữ để phá bỏ những rào cản giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Giờ đây, Lensing nằm trong số hàng nghìn người đang tự hỏi khi nào hoặc liệu họ có còn cơ hội quay trở lại Trung Quốc để học tập nữa hay không.

“Tôi không biết trong cuộc đời mình có bao giờ tôi thất vọng như vậy không”, Lensing hiện đang ở cùng em gái ở Belmont, Bắc Carolina, Mỹ chia sẻ. Trong năm học cuối cùng tại Đại học bang Georgia, anh lo lắng mình sẽ không có cơ hội quay trở lại Trung Quốc để tiếp tục chương trình còn dang dở.

Trong khi nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đang phải chịu đựng sự phân biệt của các bạn cùng lớp và sống trong sự lo lắng về an toàn của người thân nơi quê nhà thì với nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Trung Quốc, dịch bệnh đã “đóng băng” hoặc thậm chí là chấm dứt cơ hội học tập của họ ở đất nước đông dân nhất thế giới. Dịch viêm phổi cấp do Covid-19 buộc Chính phủ Trung Quốc phải có một số biện pháp mạnh tay như hạn chế đi lại, phong tỏa một số khu vực để hạn chế lây lan…

Không phải tất cả sinh viên nước ngoài đều đã rời đi. Một nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh Nigeria vẫn ở lại các trường Đại học ở Vũ Hán – tâm dịch viêm phổi cấp vì Covid-19. Chính phủ Pakistan cũng đã yêu cầu khoảng 800 sinh viên nước này ở lại Vũ Hán vì e ngại hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ không thể xử lý tốt khi những sinh viên này trở về nước.

Số khác như cô Kathy Song lại lựa chọn chủ động ở lại. Kathy Song theo học chuyên ngành về xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải và đang sống với chú, dì và em họ của cô ở Bắc Kinh. Cô gái 19 tuổi này nói tiếng Trung và muốn có thêm nhiều trải nghiệm trong các dịp nghỉ hè với người thân ở Trung Quốc. Cô đã quyết định du học tại Trung Quốc với niềm tin rằng, là một người gốc Hoa, cô có thể giúp xua tan những quan niệm sai lầm từ cả hai phía (Mỹ và Trung Quốc – ND).

“Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và tôi tin rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ sẽ là một trong những điều quan trọng nhất trong thế kỷ này”, Song nói.

Khác với Kathy Song, những người nước ngoài đã rời Trung Quốc khi dịch bệnh xảy ra chỉ biết chờ đợi.

“Tôi sống ở rất xa và không dễ để mua vé máy bay cũng như lên kế hoạch khi nào thì quay trở lại Trung Quốc”, Diego Rocha, 31 tuổi, đang theo học năm thứ 2 chương trình đào tạo thạc sĩ tại Tsinghua-MIT nói.

Rocha hiện đang ở Sao Paulo, Brazil cho biết, nếu kế hoạch tốt nghiệp vào mùa Xuân năm nay bị trì hoãn, anh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xin visa và tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, trong học kỳ cuối, các sinh viên theo học ngành kinh doanh có thể đã được làm việc cho các công ty địa phương.

Cô Kerrie Wong, 33 tuổi, người đang theo học năm thứ 2 chương trình đào tạo thạc sĩ tại Tsinghua giống Rocha cũng lựa chọn ở lại Trung Quốc sau năm học đầu tiên mặc dù đây là điều không bắt buộc.

Wong cho biết, ngày từ ngày 1/1/2020, khi mới chỉ có rất ít thông tin về những ca bệnh do virus corona chủng mới, mẹ cô từ Boston đã gọi điện cho con gái. “Bà ấy nói với tôi rằng tôi phải rời đi ngay bây giờ”, Wong chia sẻ. Wong cùng với cha mẹ đã ở Hong Kong (Trung Quốc) khi dịch SARS bùng phát hồi năm 2002-2003 làm gần 300 người ở đặc khu hành chính này tử vong. Kerrie Wong rời khỏi Bắc Kinh hôm 7/1/2020.

Wong vẫn cần phải quay trở lại Trung Quốc để có buổi thuyết trình bảo vệ luận văn tốt nghiệp, dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5. Tuy nhiên Wong cho biết cô không hề hối hận về quyết định của mình khi đảm bảo an toàn là trên hết./.