Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, vấn đề liên quan đến ngôi đền Yasukuni nằm ở trung tâm thủ đô Tokyo của Nhật Bản lại được các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc đặc biệt chú ý. Năm nay, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc không nóng lên do toàn bộ thành viên nội các của Nhật Bản đã không đến thăm đền Yasukuni nhưng ngôi đền này sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi cả ở trong và ngoài Nhật Bản.

Đền Yasukuni vinh danh những người lính Nhật Bản tử trận, trong đó có cả những tội phạm loại A trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trung Quốc, Hàn Quốc thường xuyên phản đối chuyến thăm của các quan chức Nhật Bản tới đây dù chỉ là theo tư cách cá nhân.

Năm 2010, toàn bộ thành viên nội các của Nhật Bản đã không đến thăm đền Yasukuni theo lời yêu cầu của Thủ tướng Naoto Kan. Đây là năm thứ 2, toàn bộ thành viên nội các không đến thăm đến Yasukuni trong ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh.

Thủ tướng Kan chỉ tới đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ vô danh hi sinh ở nước ngoài. Ông từng tuyên bố không tới thăm đền trong suốt thời gian cầm quyền.

Theo giới phân tích, quyết định của Thủ tướng Kan nhằm tránh gây căng thẳng với Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải chỉ trích từ cả trong và ngoài Đảng Dân chủ cầm quyền.

Trong ngày 15/8, một nhóm hơn 50 nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản đã tới thăm đền Yasukuni. Nhóm này bao gồm các nghị sĩ từ cả Đảng Dân chủ cầm quyền và các đảng đối lập. Trong số những người tới thăm đền ngày 15/8, đáng chú ý có cựu Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do đối lập Sadakazu Tanigaki. Ông Abe cho biết, ông tới để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hi sinh vì đất nước.

Ngay cả một số thành viên nội các cũng bày tỏ ý kiến phản đối quyết định không đến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Naoto Kan. Phát biểu với báo giới ngày 15/8, Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda cho biết, ông vẫn giữ nguyên quan điểm như cách đây 6 năm khi ông còn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc hội của Đảng Dân chủ.

Năm 2005, trong một bản kiến nghị gửi lên chính phủ lúc đó, ông Noda cho rằng, các tội phạm chiến tranh loại A của Nhật Bản đã được phục hồi danh dự nhờ Hiệp ước San Francisco năm 1951 và các nghị quyết của Quốc hội Nhật Bản. Do đó, họ không còn là tội phạm chiến tranh.

Hiện Bộ trưởng Tài chính Noda là một trong những gương mặt sáng giá để kế nhiệm Thủ tướng Kan. Do đó, nếu Bộ trưởng Tài chính Noda trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản, vấn đề liên quan đến đền Yasukuni có thể sẽ trở thành nguồn cơn cho mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc./.