Động thái trên diễn ra sau khi nước láng giềng Phần Lan thông báo ngày 15/5 rằng nước này cũng sẽ gia nhập NATO. Thủ tướng Magdalena Andersson đã gọi đó là "sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của đất nước chúng ta" khi phát biểu trước các nghị sĩ ở thủ đô Stockholm.

"Chúng tôi sẽ thông báo với NATO rằng chúng tôi muốn trở thành một thành viên của liên minh. Thụy Điển cần những đảm bảo an ninh chính thức gắn với tư cách thành viên trong NATO", Thủ tướng Thụy Điển cho hay.

Bà Andersson cũng cho biết thêm rằng, Thụy Điển đang hợp tác cùng với Phần Lan để gia nhập NATO. Thông báo trên được đưa ra sau khi cuộc tranh luận ở Riksdagen (Quốc hội) sáng 16/5 cho thấy có sự ủng hộ lớn đối với việc gia nhập NATO. Trong số 8 đảng ở Thụy Điển, chỉ có 2 đảng nhỏ thiên về cánh tả phản đối quyết định này.

Ngày 15/5, đảng Dân chủ Xã hội của Thụy Điển đã chấm dứt lập trường trong suốt một thời gian dài của nước này, rằng Thụy Điển sẽ không liên minh, để lựa chọn trở thành thành viên trong NATO với đa số sự ủng hộ trong Quốc hội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow "không có vấn đề gì" với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO nhưng "sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự sang những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ đối mặt với phản ứng của chúng tôi".

Mặc dù các quan chức NATO ủng hộ quá trình nhanh chóng phê duyệt để 2 quốc gia trên gia nhập liên minh nhưng tất cả 30 thành viên NATO phải nhất trí Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh thì quyết định này mới có hiệu lực. Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã phản đối việc 2 nước này gia nhập NATO, cáo buộc họ ủng hộ lực lượng người Kurd và các lực lượng khác mà Ankara coi là khủng bố./.