Hôm qua (25/12), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Qatar Khalid Bin Mohamed Al-Attiyah đã nhất trí hối thúc phe đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.

ngoai_truong_qatar_azde.jpeg
Ngoại trưởng Qatar Attiyah. Ảnh: GlobalMBwatch.

Nhưng sự thật, Nga và các nước Arab như Qatar và các nước phương Tây vẫn chưa thể giải quyết được những bất đồng cố hữu khiến cuộc khủng hoảng này càng lâm vào bế tắc.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Qatar, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, điều cần thiết là phải đảm bảo số lượng đông đảo nhất có thể các thành viên phe đối lập tham gia vào các cuộc đối thoại trong tương lai để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Ông Lavrov khẳng định, Nga và Qatar đã hiểu nhau hơn, rằng 2 nước cần phải hợp tác để đóng góp cho tiến trình thành lập một danh sách các phe đối lập Syria sẽ tham gia các cuộc đàm phán về hòa bình cho quốc gia Trung Đông này trong tương lai.

Trước đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 24/12, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho biết, chính quyền ở Damascus sẵn sàng tham gia vào đối thoại hòa bình ở Geneva và hy vọng cuộc đối thoại sẽ giúp thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Syria. Theo dự kiến, cuộc đàm phán giữa đại diện các phe nhóm đối lập tại Syria với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ diễn ra vào tháng sau tại Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ ra rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay của tiến trình hòa bình là tranh cãi trong cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp của chính quyền Syria.

Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Qatar,  Ngoại trưởng Lavrov tiếp tục bảo lưu quan điểm rằng, tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải do người dân Syria quyết định và theo ông, đang có sự thay đổi quan điểm của phương Tây về vấn đề này.

“Rất nhiều đối tác của chúng tôi vẫn kiên quyết cho rằng chính quyền của ông Assad là bất hợp pháp nhưng chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi tích cực trong những quan điểm của họ. Cũng vì thế, chúng tôi ủng hộ việc tổ chức đối thoại giữa chính phủ Syria và các nhóm đối lập.”

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Al-Attiyah vẫn cho rằng, điều vô cùng khó khăn là đạt được sự đồng thuận về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông Attiyah tái khẳng định quan điểm của Qatar là chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “một trong những nhà tài trợ chính cho khủng bố”. Bên cạnh đó, Qatar cũng phản đối việc lập một danh sách các nhóm đối lập trước khi tiến hành cuộc hòa đàm về Syria.

Ngoại trưởng Qatar Attiyah nêu rõ: “Chúng tôi phản đối việc lên danh sách phân loại các tổ chức và các nhóm đối lập như vậy vì chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải hiểu được lý do vì sao những nhóm này tiến hành các cuộc nổi dậy vũ trang.”

Có thể thấy, việc Nga và Qatar nhất trí thúc đẩy đối thoại hòa bình cho Syria chỉ là một nỗ lực ngoại giao tiếp theo sau những bước tiến tích cực khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18/12 thông qua một nghị quyết vạch ra lộ trình hòa bình cho Syria. Bản thân nghị quyết này cũng là một kết quả hiếm hoi của sự đồng thuận giữa các cường quốc về cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người tại quốc gia Trung Đông này. Vì thế, dù có thể chưa mang lại kết quả đột phá nào nhưng việc các bên nỗ lực trao đổi để hiểu nhau hơn cũng là một tiến triển tích cực có thể dần hướng tới một sự thỏa hiệp có lợi cho Syria./.