Phát biểu trước báo giới, ông Motegi - nhân vật quyền lực số 2 của đảng cầm quyền tại Nhật Bản cũng chỉ ra những thay đổi lớn đang diễn ra trong môi trường an ninh và bày tỏ hy vọng rằng các đảng và các nhà lập pháp có lập trường tư duy tiến bộ về cải cách Hiến pháp sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.
Kể từ khi được ban hành vào năm 1946, Hiến pháp Nhật Bản chưa từng được sửa đổi. Để thực hiện được điều này thì hơn 2/3 các nhà lập pháp ở cả Thượng viện và Hạ viện phải bỏ phiếu tán thành các đề xuất. Theo các cuộc thăm dò ý kiến của thượng viện mới đây thì đảm bảo hai phần ba hoặc nhiều ghế hơn sẽ cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong đảng Dân chủ tự do (LDP), đối tác liên minh Đảng Công Minh, Đảng Duy tân Nhật Bản và Đảng Dân chủ vì Nhân dân.
Trước đó, liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, đại diện đảng Công minh tái khẳng định “sẽ thúc đẩy thảo luận”, thay vì sử dụng cụm từ “thảo luận một cách thận trọng” trong cam kết tranh cử Hạ viện hồi năm ngoái.
Trọng tâm của việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tập trung xoay quanh đến Điều 9 trong đó quy định, Nhật Bản từ bỏ khả năng tiến hành chiến tranh và không duy trì các lực lượng trên bộ, trên biển và không quân, cũng như các sức mạnh chiến tranh khác.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo từng đặt sửa đổi Hiến pháp là một trong những mục tiêu hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình (từ năm 2006 đến năm 2007 và từ năm 2012 đến năm 2020). Ông đã kêu gọi làm rõ tình trạng pháp lý của Lực lượng Phòng vệ (SDF) của Nhật Bản bằng cách đề cập rõ ràng trong Hiến pháp để chấm dứt các lập luận rằng Lực lượng Phòng vệ (SDF) là vi hiến./.