Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu nhân công và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá năng lượng và hàng hoá cơ bản tăng cao, khiến lạm phát không ngừng leo thang trong những tháng gần đây. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bước vào cuộc đua nâng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây để “hãm phanh” lạm phát. Tuy nhiên, các nước châu Á dường như đang chống chọi tốt hơn với lạm phát. Bằng chứng là tỉ lệ lạm phát ở 2 nền kinh tế lớn của khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn ở mức thấp so với Mỹ hay châu Âu.
Sự khác biệt về cách điều hành, đặc điểm nền kinh tế và cách tính CPI
Tỉ lệ lạm phát tại Trung Quốc gần như đối lập hẳn với nhiều nền kinh tế phát triển, tạo dư địa để nước này có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc trong tháng 5 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó tỉ lệ này tại Mỹ cùng thời điểm là 8,6%, các nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) là 8,1%. Riêng tại Anh, lạm phát trong tháng 4 vừa qua đã vọt lên mức 9%.
Đây không phải là năm đầu tiên Trung Quốc duy trì mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp. Theo các chuyên gia nước này, Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn lạm phát thấp sau năm 1997. Sau đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát của nước này từng có lúc lên tới 8,2% vào năm 2008. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ tiếp theo lại là thời kỳ lạm phát thấp, thậm chí giảm phát. Ở một góc độ nào đó, có thể hiểu đây là một đặc điểm và cách thức điều hành của nền kinh tế Trung Quốc.
Có thể nói, việc Trung Quốc duy trì mức lạm phát thấp là do có những khác biệt về cách điều hành, cơ cấu kinh tế và cách tính CPI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới so với các nước phương Tây.
Trước hết, theo quan chức và học giả Trung Quốc, có sự khác biệt trong cách thức triển khai, vận hành các gói kích thích kinh tế giữa nước này với phương Tây. Mỹ và nhiều nước châu Âu đã tung các gói kích thích quy mô cực lớn, với tốc độ in tiền chưa từng có tiền lệ, nhằm phục hồi kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch. Ví dụ tại Mỹ, bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã phình gấp đôi, lên mức 8.900 tỉ USD chỉ trong hai năm qua. Ngược lại, Trung Quốc cẩn trọng hơn trong kích thích kinh tế, không nới lỏng tài khóa, tiền tệ một cách ồ ạt.
Sự khác biệt trong cách tính CPI của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân. Cách phân loại trong rổ CPI giữa Mỹ và Trung Quốc gần giống nhau, nhưng tỷ lệ lại khác nhau. Tỷ trọng của các mặt hàng thực phẩm trong CPI của Trung Quốc cao hơn của Mỹ, trong khi tỷ trọng các mặt hàng liên quan đến năng lượng lại thấp hơn, dẫn đến sự biến động của giá thực phẩm mới là điều quyết định xu hướng CPI ở Trung Quốc, chứ không phải là giá năng lượng. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cũng đã 10 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Nói cách khác, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chú trọng nhiều hơn đến lương thực, quần áo phù hợp với thực tế Trung Quốc vẫn là nước thu nhập trung bình. Ngược lại, rổ CPI tại Mỹ phân bổ tỷ trọng lớn hơn về nơi ở, đi lại - cũng chính là hai mảng dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều bởi giá nhiền liệu tăng cao cùng với điều kiện chính sách tiền tệ trong nước.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ phụ thuộc lớn vào hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Còn Trung Quốc lại là công xưởng sản xuất của thế giới, với khả năng chế tạo vượt trội, giúp nhà điều hành có thêm dư địa để ứng phó hiệu quả hơn trước đà tăng giá của các loại hàng hóa toàn cầu.
Theo nhận định của các chuyên gia Trung Quốc, hiện tại, sở dĩ giá cả của nước này duy trì ổn định là do được hưởng lợi từ chính sách tích cực duy trì nguồn cung, ổn định giá cả và kiểm soát kinh tế vĩ mô, trong thời gian tới Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát đến từ bên ngoài.
Tương tự tại Nhật Bản, lạm phát cao cũng chỉ dừng lại ở 2,5% trong tháng 4/2022. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái đây là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua, tuy nhiên đây lại là tỷ lệ thấy hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trái ngược với động thái buộc phải gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương các nước, Nhật Bản lại tự tin duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng với việc duy trì lãi suất siêu thấp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, Nhật Bản hoàn toàn không rơi vào tình trạng bắt buộc phải thắt chặt tiền tệ. Ưu tiên hàng đầu sẽ là kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như hiện tại và từ đó hỗ trợ vững chắc hoạt động kinh tế.
Sự khác biệt chính sách này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dẫn đến sự mất giá của đồng Yên, qua đó có thể kích thích lạm phát. Những năm gần đây, Nhật Bản vốn luôn phải chịu những áp lực vì hiện tượng giảm phát của nền kinh tế và dường như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang hướng đến việc tìm kiếm một chỉ số lạm phát. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản thời gian qua ở mức thấp.
Ngoài ra, khác với Mỹ và Châu Âu, do không quá phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với Nga, nên các lệnh trừng phạt qua lại với Nga không có tác động lớn đối với chỉ số gia tiêu dùng, do đó dễ dàng kiểm soát được lạm phát.
Vấn đề chính của Trung Quốc không phải là lạm phát, mà là “ba áp lực” của nền kinh tế
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) mới đây có phát biểu rằng lạm phát không phải là mối quan tâm chính đối với Trung Quốc, thay vào đó, nước này đang phải đối mặt với “ba áp lực” - cụ thể là nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng yếu.
Ba áp lực này không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc. Đây vốn là kết luận của Hội nghị Kinh tế Trung ương nước này tổ chức hồi cuối năm 2021 – kỳ họp thường niên nhằm đề ra mục tiêu hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong năm tiếp theo.
Trong số 3 áp lực, nhu cầu thu hẹp được đặt lên hàng đầu và biểu hiện chủ yếu ở tiêu dùng tư nhân (cư dân và xã hội) giảm, trong đó thị trường bất động sản – một tác nhân quan trọng và trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – vẫn đang suy yếu sau khi chính phủ nước này thực hiện nhiều chính sách nhằm hạn chế hoạt động vay vốn quá mức của các công ty phát triển bất động sản hồi năm ngoái.
Cú sốc nguồn cung chủ yếu biểu hiện qua tình trạng thiếu than, thiếu điện trầm trọng sau các ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng toàn cầu và các hạn chế liên quan đến mục tiêu giảm carbon trong nước, cũng như tác động của dịch bệnh đến việc khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành du lịch, khách sạn, ăn uống và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cuối cùng là kỳ vọng suy yếu. Điều này có thể bắt nguồn từ hàng loạt các điều chỉnh chính sách của chính phủ Trung Quốc trong năm 2021 liên quan đến lĩnh vực bất động sản, internet, giáo dục ngoài nhà trường..., khiến các ngành này chịu tác động nặng nề và kỳ vọng của doanh nghiệp tư nhân không mấy lạc quan.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Thượng Hải và một số nơi tiếp tục gây thêm nhiều tác động tiêu cực đối với lĩnh vực tư nhân. Trong khi đó, hầu hết các vấn đề sinh kế của người dân đều liên quan mật thiết đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân. Có chuyên gia nhận định, trong hơn 40 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc, khi nào doanh nghiệp tư nhân phát triển thuận lợi, khi đó việc làm sẽ đầy đủ và nền kinh tế quốc dân sẽ phát triển tốt.
Đối với Trung Quốc, duy trì sự ổn định của kinh tế xã hội luôn là điều tối quan trọng. Trong báo cáo chính phủ do Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường trình bày tại Quốc hội hồi đầu năm từng hơn 80 lần nhắc đến từ “ổn định”. Thời gian gần đây, dù vẫn quyết tâm thực hiện chính sách “Zero Covid”, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn luôn yêu cầu phải đảm bảo kinh tế xã hội phát triển ổn định. Nếu cả ba áp lực về nhu cầu, nguồn cung và kỳ vọng không được giải tỏa, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra, trong đó quan trọng nhất là khó có thể duy trì được sự ổn định trước những tác động từ cả môi trường bên trong lẫn bên ngoài.
Nhật Bản cần duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng và đạt lạm phát ở mức cần thiết
Để duy trì ổn định nền kinh tế, động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là tiếp tục duy trì chính sách lãi suất “siêu thấp” ở mức âm 0,1% - mức lãi suất đã được áp dụng từ năm 2016 cho đến nay, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0.75% vào hôm 15/6 vừa qua. Sự chênh lệch chính sách này đã đẩy đồng Yên trở nên thấp nhất so với đồng USD trong vòng 24 năm qua.
Về lý thuyết, đồng nội tệ mất giá gây ra cả tác động tiêu cực và tích cực đến cho nền kinh tế. Một mặt, sẽ làm tăng giá cả lương thực và năng lượng, tác động tiêu cực tới chi tiêu hộ gia đình. Mặt khác lại góp phần tạo ra lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, đồng Yên rẻ cũng hỗ trợ đắc lực cho sự hồi phục của ngành du lịch Nhật Bản, đặc biệt khi nước này đang chuẩn bị các bước để mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài.
Hiện nay một số doanh nghiệp tại Nhật Bản đã tăng giá sản phẩm, người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận rõ điều này. Để đối phó tác động do giá cả tăng, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế bổ sung, trị giá 13.200 tỷ Yên (hơn 100 tỷ USD). Gói kích thích này chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân, ứng phó với giá dầu thô tăng cao, nâng trợ cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu lên mức 35 Yên/1 lít xăng và duy trì đến hết tháng 9. Ngoài ra gói kích thích này còn cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục tiêu là tái cơ cấu các doanh nghiệp, hướng tới tăng lương cho người lao động.
Trước mắt Nhật Bản sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để đồng Yên trở nên yếu, đồng thời đưa ra các gói kích thích kinh tế bổ sung để giúp nền kinh tế đạt được lạm phát ở mức cần thiết.
Trong thời gian tới, chính phủ Nhật Bản sẽ phải theo dõi sát biến động của các chỉ số kinh tế cũng như các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để có thể đưa ra các chính sách ứng phó kịp thời nhằm không để đồng Yên mất giá một cách “hỗn loạn”, đẩy kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái thêm một lần nữa.
Nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng châu Á sẽ có thể kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng yếu đang kéo dài ở nhiều nước trong khu vực. Những cú sốc về nguồn cung, hay chi phí vận chuyển tăng vọt tiếp tục ám ảnh hầu hết các nền kinh tế phát triển ở phương Tây nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến châu Á. Điều đó có nghĩa là các nước châu Á có thể không phải chịu sức ép quá lớn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ so với một số nước phương Tây. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vẫn sẽ gia tăng cảnh giác trước nguy cơ lạm phát vì những yếu tố bất ổn như xung đột, dịch bệnh… vẫn chưa được kiểm soát./.