Đề xuất đánh thuế những người dưới 40 tuổi cho đến khi họ có đủ hai con và chuyển số tiền này tới quỹ thai sản để hỗ trợ các gia đình có nhiều hơn một con khiến không ít người Trung Quốc bất bình.
Ý tưởng gây tranh cãi này được 2 học giả đến từ đại học Nam Kinh đề xuất trong bài xã luận “Tăng tỷ lệ sinh: Nhiệm vụ phát triển dân số của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới" đăng trên tờ Xinhua Daily.
Hai học giả Liu Zhibiao và Zhang Ye dự đoán tỷ lệ sinh sẽ giảm đáng kể trong những năm tới mặc dù chính sách một con được chính phủ Trung Quốc áp dụng cách đây 4 thập kỷ đã kết thúc vào năm 2015.
Cụ thể, theo số liệu mà 2 học giả này trích dẫn, trong 6 tháng đầu năm, số ca sinh ở Trung Quốc đại lục đã giảm từ 15 đến 20% so với năm 2017. Trong năm 2017, có khoảng 17,58 triệu trẻ em chào đời ở quốc gia đông dân nhất hành tinh, giảm 630.000 trẻ so với năm 2016.
Để giải quyết tình trạng này, Liu và Zhang đề xuất đánh thuế phụ nữ và nam giới dưới 40 tuổi, sau đó chuyển số tiền này và quỹ thai sản để hỗ trợ các gia đình có nhiều hơn 1 con. Với những người sống độc thân, không có con cái, họ có thể nhận lại số tiền thuế đã đóng nhưng chỉ tới khi đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, ông Huang Rongqing, người đứng đầu Viện dân số và kinh tế tại Đại học kinh doanh và kinh tế vốn Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là hết sức vô lý.
"Việc lựa chọn có hay không có con là quyết định của mỗi cá nhân, gia đình. Chúng ta có thể khuyến khích sinh đẻ nhưng không phải bằng cách đánh thuế tất cả mọi người. Điều này là vi phạm nhân quyền, giống như khi chúng ta áp dụng hạn chế dân số. Họ có quyền đưa ra đề xuất, nhưng tôi ngạc nhiên là những người có học vị như vậy lại có thể đưa ra các ý tưởng lập dị đến thế ", ông Huang nói.
Học giả Liu, một trong hai người đưa ra đề xuất đã từ chối trả lời phỏng vấn của SCMP.
Nhiều địa phương của Trung Quốc cho phép sinh con thứ 3
Đề xuất này bên cạnh việc vấp phải phản ứng quyết liệt từ các nhà hoạch định dân số, còn hứng phải rất nhiều chỉ trích từ dư luận và thậm chí là truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV gọi đề xuất này là vô lý. Dora Li, bà mẹ một con đến từ Thượng Hải, người không có ý định sinh thêm con thứ 2 nói cô cảm thấy khó chịu với ý tưởng này.
"Nhiều bà mẹ từng phải ra nước ngoài để sinh con thứ 2 vì chính sách một con. Nếu đề xuất này được thông qua, tôi đoán rằng sẽ có nhiều bà mẹ hơn nữa phải rời đi để tránh cảnh phải sinh thêm những đứa trẻ mà họ không mong muốn. Điều kiện giáo dục và y tế chưa được cải thiện, vì vậy tốn quá nhiều chi phí để nuôi thêm một đứa trẻ. Họ chỉ xem xét các chi phí xã hội và tỷ lệ sinh của cả nước mà không để tâm tới hạnh phúc của từng gia đình riêng lẻ", Dora chia sẻ.
Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con từ năm 1979 và mới chỉ kết thúc vào năm 2015. Hệ quả của chính sách này là xã hội đang già hóa nhanh chóng, lực lượng lao động bị thu hẹp. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Trung Quốc trong năm 1990, năm đầu tiên ghi nhận dân số bị già hóa là 10%. Con số này đã tăng lên tới 17,3% vào cuối năm 2017.
Để giải quyết tình hình đáng báo động này, một số tỉnh đã đưa ra các biện pháp khuyến khích sinh đẻ như gia hạn thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ các gia đình có trên 2 con thông qua các chính sách thuế, giáo dục, bảo hiểm và nhà ở. Tuy nhiên, những phương án này vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nan giải mà đất nước đông dân nhất đang phải đối mặt./.