Các quan chức ngoại giao Nga và Mỹ hôm nay bước sang ngày họp thứ 3 về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. Theo một số nguồn tin ngoại giao, các cuộc đàm phán dường như đã bước vào giai đoạn “quyết định”, với một số bước tiến cụ thể.

Diễn ra từ ngày 12/9 vừa qua, các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đạt được một số bước tiến đáng khích lệ. Trong đó phải kể đến quyết tâm của các bên thúc đẩy một hội nghị hòa bình Geneva lần thứ 2 về Syria. Đáng ra được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, theo sáng kiến của Nga và Mỹ, tuy nhiên cuộc họp này đã không thể diễn ra do bất đồng giữa các bên về thời điểm, cũng như thành phần tham dự.

nga%20my%20ban%20syria.jpg
Ngoại trưởng Nga, Mỹ tham gia cuộc đàm phán (Ảnh: AFP)

Phát biểu với báo chí trước khi bắt đầu ngày họp thứ 3, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định, các bên đang đi tới “một thời điểm quyết định”. Các Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã đạt dược những bước tiến, hướng tới một thỏa thuận về đánh giá các kho vũ khí hóa học tại Syria, mà Mỹ ước tính lên tới hơn 1.000 tấn.

Tuy nhiên song song với những diễn biến tích cực này, cũng có nhiều “nốt giáng” trong các cuộc đàm phán về Syria.

Trong một phát biểu ngày hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, báo cáo của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, dự kiến công bố vào đầu tuần tới, sẽ đưa ra những kết luận “không thể chối cãi” về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Dù không trực tiếp quy trách nhiệm cho chính quyền Syria, song Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad  đã “phạm nhiều tội ác chống lại nhân loại” và cho biết, ông tin chắc rằng sẽ có một cuộc giải trình trách nhiệm khi mọi việc kết thúc.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với thiện chí của chính quyền Syria muốn tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, theo đề xuất của Nga. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24 của Pháp, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, điều quan trọng là chính quyền Syria thực hiện những điều đã cam kết một cách chân thành và chính xác nhằm chứng minh thiện chí của mình. Diễn biến mới này chắc chắn sẽ khiến các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn, khi mà tới nay chính quyền Mỹ vẫn khăng khăng quy trách nhiệm cho chính quyền Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua gần thủ đô Damascus.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng một lần nữa thể hiện lập trường cứng rắn của mình. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói: “Tôi tin rằng, báo cáo của Liên Hợp Quốc sẽ xác nhận những điều mà chúng tôi từng nói trong suốt thời gian qua. Báo cáo sẽ không quy trách nhiệm cho bên nào cả, song nó sẽ một lần nữa khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria không chỉ là vụ ngày 21/8 vừa qua. Chúng tôi cho rằng, điều này chỉ cho thấy sự cần thiết một hành động của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết vấn đề này”.

Một “nốt giáng nữa” đối với các cuộc đàm phán đó chính là phe đối lập tại Syria. Trong khi đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi được giao trọng trách chuẩn bị cho hội nghị hòa bình Geneva lần thứ 2 nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị, phe đối lập Syria lại tỏ ra nghi ngờ với ý tưởng cho rằng một sự đột phá trong vấn đề vũ khí hóa học lại có tác động về mặt chính trị, giúp thúc đẩy hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Theo Liên minh dân tộc đối lập Syria, những cam kết của chính quyền Syria đặt các kho vũ khí hóa học của mình dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế là một cách để đánh lạc sự chú ý của cộng đồng quốc tế và ngăn cản các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria vì những tội ác đã phạm phải.

Hội nghị Geneva 2 được kỳ vọng sẽ mở ra lối thoát cho tình hình Syria, đem lại một cái kết có hậu cho cuộc khủng hoảng trầm trọng có nguy cơ lan rộng toàn khu vực. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua cho thấy, dù hoan nghênh đề xuất của Nga, song rõ ràng các bên vẫn hoài nghi về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo các nhà phân tích, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thì ngay cả khi diễn ra, hội nghị Geneva 2 cũng lại có kết cục tương tự hội nghị hòa bình Geneva lần thứ nhất và một lần nữa khiến người dân Syria, những nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột phải thất vọng./.