Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh, Iran đe dọa dỡ bỏ giải pháp tạm thời với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc thanh sát nếu Anh, Pháp và Đức đưa ra nghị quyết lên án Iran.
Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, trong cuộc điện đàm song phương, nhà lãnh đạo Pháp đã yêu cầu Tổng thống Iran Rouhani hợp tác toàn diện với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về hoạt động thanh sát hạt nhân, đồng thời bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về việc Iran vi phạm Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trong khi đó, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Rouhani một lần nữa hối thúc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để cứu vãn thỏa thuận được ký kết năm 2015. Tổng thống Iran đồng thời nhấn mạnh việc Iran rút dần khỏi các nghĩa vụ hạt nhân được nêu trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện là do Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này, trong khi 3 nước phương Tây cùng tham gia thỏa thuận là Anh, Pháp và Đức "không có khả năng thực hiện các cam kết hạt nhân của mình".
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh, căng thẳng giữa Iran và 3 nước tham gia thỏa thuận hạt nhân là Anh, Pháp và Đức tăng cao sau khi các nước này dự định đưa ra nghị quyết lên án Iran tại cuộc họp của Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, trong đó bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hành động của Iran và kêu gọi Iran cho phép nối lại "ngay lập tức" toàn bộ các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế. Theo các nhà ngoại giao, nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn này sẽ được đưa ra biểu quyết vào ngày 5/3 tới. Trong khi đó, Iran đe dọa dỡ bỏ giải pháp tạm thời với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế về việc thanh sát nếu Anh, Pháp và Đức đưa ra nghị quyết lên án Iran.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei nêu rõ:"Tôi phải đưa ra lời cảnh báo này, rằng các hành động chống lại kỳ vọng của chúng tôi sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến tiến trình ngoại giao và có thể nhanh chóng khép lại mọi cơ hội. Tất cả các bên nên hành động sáng suốt và thận trọng, Chúng tôi vẫn cam kết theo đuổi giải pháp ngoại giao”.
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt Kế hoạch Hành động chung toàn diện mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) năm 2015 nhằm mục đích hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.
Theo thỏa thuận tạm thời có thời hạn 3 tháng (bắt đầu có hiệu lực từ 23/2) vừa đạt được giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, dữ liệu camera liên quan chương trình hạt nhân của Iran sẽ được lưu trữ và không chuyển giao cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sau thời hạn 3 tháng này, Iran sẽ tiến hành xóa các dữ liệu. Người phát ngôn của Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei nêu rõ, thỏa thuận tạm thời này đã thể hiện "thiện chí" của Iran và nước này đang mong đợi các bên khác trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện chứng minh thiện chí của họ. Chính vì vậy, dự kiến cuộc họp của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế vào ngày 5/3 sẽ rất căng thẳng./.