Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức tại Lausanne, Thụy Sỹ lẽ ra phải được hoàn tất vào ngày 31/3 vừa qua, đã được kéo dài thêm hai ngày nữa so với kế hoạch đề ra. 

my_iran_gtun.jpgPhái đoàn Mỹ (trái) và Iran tại cuộc đàm phán (Ảnh AFP) 

Như vậy, Iran với nhóm P5+1 sẽ tiếp tục đàm phán trong ngày 2/4. Nhiều khả năng vòng đàm phán hạt nhân tại Thụy Sỹ giữa Iran và nhóm P5+1 hôm nay sẽ diễn ra cam go và những nhượng bộ quan trọng có thể được đưa ra vào phút chót. 

Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 1/4, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ ở lại Thụy Sĩ để tiếp tục đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đến ngày 2/4. 

Theo ông Earnest, cuộc đàm phán đang diễn ra hiệu quả và đạt được tiến triển. Tuy nhiên, Iran vẫn chưa đưa ra các cam kết rõ ràng và cụ thể liên quan tới các cơ sở hạt nhân của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Tuy nhiên, để gây sức ép với Iran, người phát ngôn Nhà Trắng cũng lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ vẫn để ngỏ một giải pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. 

“Cách thức chúng tôi theo đuổi đối thoại với Iran vẫn không thay đổi miễn là chúng tôi vẫn nghiêm túc trong đàm phán và cuộc đàm phán vẫn đang tiến triển. Tuy nhiên, trong trường hợp không thuận lợi nhất đó là khi giải pháp ngoại giao không thành công, chúng tôi vẫn để ngỏ một loạt các lựa chọn khác, bao gồm cả việc phối hợp với cộng đồng quốc tế để áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Iran để buộc Iran phải quay trở lại bàn đàm phán. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chúng tôi cũng sẵn sàng để ngỏ giải pháp quân sự”, ông Earnest nói. 

Tuyên bố trên của Mỹ cho thấy, cuộc đàm phán hạt nhân với Iran không hề dễ dàng, song Mỹ vẫn tin tưởng về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Các thành viên khác của nhóm P5+1 cũng cùng chung quan điểm với Mỹ về vấn đề này. Tối 1/4, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đã quay trở lại Thụy Sĩ để tham gia cuộc đàm phán.

Trong một phát biểu với các phóng viên, ông Fabius đã lạc quan nói rằng, cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc và các bên chỉ còn cách vạch đích vài mét, song đó là những mét khó khăn nhất. 

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết một “khuôn khổ nhận thức chung” đã đạt được giữa các bên tham gia đàm phán, nhưng vẫn còn một số vấn đề quan trọng nhất cần phải được giải quyết. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1/4 cũng bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ có sự thỏa hiệp vào phút cuối: “Tôi hy vọng và tôi cũng mong là các bên sẽ có sự nhượng bộ trong cuộc đàm phán ngày 2/4, với điều kiện là Iran không được tiếp cận với vũ khí hạt nhân”. 

Về phía Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif  đã lên tiếng hối thúc các cường quốc “nắm bắt” thời điểm để đạt được một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran. 

Theo ông Zarif, thành công của đàm phán phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các cường quốc. Ông cũng không quên nhấn mạnh, đàm phán lần này là cơ hội cuối cùng để các bên đạt được một thỏa thuận. 

“Chúng tôi hy vọng, thiện chí chính trị của các bên liên quan sẽ giúp thúc đẩy đàm phán. Vẫn còn những vấn đề còn tồn tại ngăn cản chúng ta tìm kiếm một giải pháp và tôi hy vọng là các bên sẽ nhận thức rõ thực tế này. Đây sẽ là một cơ hội đặc biệt và nó sẽ không xuất hiện lần 2. Các bên cần tận dụng cơ hội này”, ông Zarif nói. 

Thỏa thuận khung về ngăn chặn Iran sản xuất bom hạt nhân lẽ ra phải được ký vào nửa đêm 31/3. Tuy nhiên, do còn nhiều bất đồng về một số vấn đề mấu chốt nên các bên vẫn chưa đi đến đích. 

Dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ và Iran, cũng sẽ khó lòng chấp nhận việc kéo dài vô thời hạn các vòng đàm phán vốn được tiến hành từ 18 tháng qua. Điều này tạo ra sức ép rất lớn lên các nhà đàm phán khi kim đồng hồ đang đi quá thời hạn chót hai ngày. Nhiều khả năng, các bên sẽ phải thỏa hiệp và đưa ra những nhượng bộ quan trọng vào phút cuối để tránh cho đàm phán bị“giữa đường đứt gánh”./.