Cả  Iran và các nước phương Tây đều lên tiếng kêu gọi lẫn nhau đưa ra những thỏa hiệp quan trọng.

dam_phan_dbov.jpgBàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran hôm 27/3 (ảnh: Reuters)
Các quan chức ngoại giao cấp cao của Iran và nhóm P5+1 hôm nay tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ để tiến tới một thỏa thuận khung chính trị vào ngày 31 tháng 3 tới. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho 90 ngày đàm phán tiếp theo, hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm khép lại cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài 12 năm qua.

Kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại một cách nghiêm túc vào năm 2013, các bên đang cố gắng để tiến tới một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng. Tuy nhiên, con đường này luôn vấp phải những rào cản. Thậm chí cả đến khi chỉ còn một vài ngày nữa là đến hạn chót cho một khung thỏa thuận, các bên vẫn khẳng định còn tồn tại nhiều rào cản, đòi hỏi lẫn nhau phải đưa ra nhượng bộ.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các cuộc đàm phán rất khó khăn và yêu cầu Iran đưa ra những quyết định quan trọng. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng tuyên bố, Pháp muốn đạt được một “thỏa thuận tốt” với Iran:“ Chúng tôi muốn có một thỏa thuận. Nhưng thỏa thuận này phải thực sự. Có nhiều bước tiến nhưng cũng vẫn có những rào cản mà chúng ta cần vượt qua. Đây là lập trường của Pháp”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục gia tăng áp lực đối với Iran, buộc nước này cần phải thực hiện những quyết định cần thiết để giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng. Trong khi đó, phía Iran gọi những biện pháp trừng phạt là không công bằng và cần phải dỡ bỏ. Hiện Iran đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây.

Người đứng đầu Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi cho biết:“Chúng tôi đang tiếp tục gây sức ép lẫn nhau để tiến gần tới một nền tảng nhận thức chung. Có những điều khó khăn cần phải được giải quyết và Iran đang làm hết sức của mình”.

Với hạn chót đang đến gần, việc đảm bảo đạt được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng  mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là vấn đề ngoại giao quốc tế mà còn là uy tín chính trị trong nước của những nhà lãnh đạo Mỹ và Iran. Tổng thống Obama đã nhiều lần thuyết phục quốc hội ngừng trừng phạt Iran để tiến tới một thỏa thuận, trong khi Tổng thống Iran cũng mong muốn phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt để phát triển kinh tế đất nước.

Vì vậy, mặc dù vẫn còn những rào cản nhưng các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, các bên có thể sẽ phải thỏa hiệp vào phút chót 31/03. Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond bày tỏ hi vọng sẽ có những bước tiến trong 48 giờ tới, giúp đưa ra một thỏa thuận khung, làm nền tảng cho một thỏa thuận toàn diện sẽ được công bố trong những tháng tới./.