Căng thẳng giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu – EU quanh vấn đề Brexit đang gia tăng trở lại sau khi chính phủ Anh ngày 8/9 hé lộ dự định hủy bỏ một phần thỏa thuận Brexit mà hai bên đã đạt được cuối năm 2019.

Dự tính của chính phủ Anh được Bộ trưởng Phụ trách Bắc Ireland Brandon Lewis tuyên bố trước Nghị viện Anh trong chiều ngày 8/9. Cụ thể, chính phủ Anh dự định đưa ra một luật mới về thị trường nội địa, trong đó cho phép các Bộ trưởng Anh được phép đơn phương quyết định các vấn đề về trợ cấp nhà nước cũng như thủ tục hải quan tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland.

Tuy nhiên, nếu được thực hiện, ý định này của chính phủ Anh sẽ xâm phạm vào điều khoản liên quan đến Bắc Ireland trong bản thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU được chính phủ Anh và EU ký cuối năm 2019, theo đó, trước mắt Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ cùng lúc cả các quy định của EU lẫn của Anh về trợ cấp và thuế quan, nhằm giữ cho biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU được tiếp tục mở.

Phát biểu trước các nghị sĩ Anh, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland, Brandon Lewis tuyên bố nước Anh có quyền được không áp dụng một số luật của EU trong một vài trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ông Lewis cũng thừa nhận việc này sẽ “vi phạm luật pháp quốc tế một cách hạn chế và đặc thù”.

Phản ứng trước ý định này của chính phủ Anh, cựu Thủ tướng Anh Theresa May chỉ trích rằng hành động của chính phủ Anh đương nhiệm là vi phạm luật pháp quốc tế vì đã không tuân thủ một Hiệp ước quốc tế mà Anh đã ký kết, đồng thời cảnh báo việc này sẽ đe dọa uy tín của nước Anh:  “Chính phủ Vương quốc Anh đã ký thỏa thuận rời khỏi EU, trong đó có điều khoản về Bắc Ireland. Nghị viện Anh cũng đã bỏ phiếu để đưa thỏa thuận này vào hệ thống luật của Anh. Giờ đây chính phủ Anh đang thay đổi cách thức thực hiện thỏa thuận này. Làm thế thì chính phủ Anh làm sao có thể đảm bảo cho các đối tác quốc tế tương lai rằng có thể tin tưởng việc nước Anh sẽ tuân thủ các ràng buộc của các thỏa thuận mà nước Anh ký kết?”.

Hiện tại, các quan chức hàng đầu của chính phủ Anh, trong đó có Thủ tướng Boris Johnson chưa đưa ra các bình luận thêm về vụ việc nhưng giới quan sát nhận định, nhiều khả năng đây là một chiến lược gây sức ép từ phía chính phủ Anh lên EU trong bối cảnh các đàm phán về một thỏa thuận hậu Brexit đang bế tắc nghiêm trọng.

Hiện hai phía EU và Anh đang tiến hành vòng đàm phán thứ 8 tại thủ đô London nhưng đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra tối hậu thư rằng Anh và EU cần phải đạt được một thỏa thuận hậu Brexit trước ngày 15/10, nếu không sẽ phải tìm một phương án khác.

Theo kế hoạch, nước Anh sẽ chấm dứt thời kỳ quá độ Brexit vào ngày 31/12/2020 và nếu hai bên không đạt được thỏa thuận quy định mối quan hệ trong giai đoạn mới, kịch bản “Brexit không thỏa thuận” vẫn có thể diễn ra./.