Trong tuần đầu tháng 7, Indonesia chứng kiến các ca mắc Covid-19 tăng đột biến, vượt qua cả Ấn Độ và Brazil về số ca mắc mới trong ngày. Tỷ lệ tử vong do dịch bệnh ở Indonesia cũng liên tục phá kỷ lục, trở thành nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Đến ngày 23/7, Indonesia đã vượt mốc 3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 80.000 người đã tử vong.
Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia, chuyên nghiên cứu về Covid-19 tại Đại học Griffith của Australia, cho biết: “Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hoặc quốc gia không có khả năng kiểm soát đại dịch”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại, nếu tỷ lệ dương tính trong tổng số xét nghiệm là 5% thì được coi là đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát. Trong khi ở Indonesia vào tháng 6, con số này ở mức 10% và hiện đã tăng lên 30%. Điều này rất dễ tạo ra một siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông Budiman nhận định biến thể bản địa của Indonesia có thể đã xuất hiện.
Tiến sĩ Stuart Ray, Phó Trưởng bộ môn phân tích dữ liệu và tính toàn vẹn tại Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết, các biến thể của Covid-19 đang được phát hiện hàng tuần trên khắp thế giới nhưng đó là "bản chất của virus RNA như coronavirus, luôn phát triển và thay đổi theo thời gian". Tuy nhiên, nếu xuất hiện một loại virus có khả năng lây lan nhanh và làm tăng số bệnh nhân nhập viện và tử vong, đồng thời làm suy yếu vaccine thì biến thể đó là biến thể “cần đề phòng”.
Hiện nay trên toàn cầu có bốn biến thể cần theo dõi đó là: biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh, biến thể Beta phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, biến thể Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, biến thể Gamma phát hiện đầu tiên ở Brazil.
Giám đốc Viện sinh học phân tử Eijkman của Indonesia, ông Amin Seobandrio cho biết, tất cả các biến thể ngoại trừ Gamma đã được phát hiện ở Indonesia. Mặc dù hiện nay, Indonesia chưa chắc chắn liệu đã xuất hiện biến thể mới hay chưa nhưng nước này sẽ cảnh giác và sẽ lập tức xác định biến thể mới nếu xuất hiện.
Ông Amin cho biết, Indonesia có khả năng phát hiện các biến thể của virus một cách nhanh chóng. Hơn 3.000 bộ gen virus đã được nghiên cứu kể từ đầu năm. Kết quả là biến thể Alfa vẫn còn lây nhiễm nhưng Delta đã chiếm ưu thế.
Trong khi đó, Shahid Jamil, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ cho biết, bốn đến năm biến thể Delta của Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với loại virus ban đầu. Ông nhận định tình hình ở Indonesia hiện tương tự như những gì đã xảy ra trong làn sóng thứ hai ở Ấn Độ do tiêm chủng yếu. Theo Bộ Y tế Indonesia, sau hơn nửa năm bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia tính đến thời điểm hiện tại mới có 8% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19.
Biến thể Delta từ Ấn Độ đầu tiên được phát hiện tại Indonesia thông qua các mẫu bệnh phẩm lấy vào tháng 1 vừa qua ngoái ở Jakarta và Palembang và nhanh chóng lan rộng ra 16 tỉnh thành. Sự lan rộng của biến thể Delta này đã khiến hệ thống y tế ở Indonesia bị choáng ngợp và đang ở trong tình trạng sụp đổ “chức năng”.
Các chuyên gia cảnh báo Indonesia cần cảnh giác vì biến thể Delta có thể tiếp tục phát triển và thích nghi với môi trường của mới. Phương thức quan trọng nhất để ngăn chặn việc tạo ra các biến thể mới, độc hại hơn là ngăn chặn sự lây lan của nó trong cộng đồng bằng cách hạn chế di chuyển và tuân thủ tất cả các quy trình y tế./.