Đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp, khó lường đang tác động sâu rộng tới tình hình kinh tế-xã hội và đời sống của người dân trên toàn nước Mỹ. Không những vậy, đại dịch Covid-19 đã, đang và còn tiếp tục tác động tiêu cực tới sự kiện chính trị quan trọng nhất diễn ra bốn năm một lần, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe công chúng lên hàng đầu và ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, đến nay, chính quyền 12 bang (New York, Alaska, Connecticut, Delaware, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Maryland, Pennsylvania, Ohio, Rhode Island) và vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ đã quyết định lùi tổ chức bầu cử sơ bộ lẽ ra diễn ra trong tháng 3 và tháng 4 sang tháng 5 hoặc tháng 6.

bau_cu_emsx.jpg
Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. (Ảnh: AP)

Tuy vậy, với tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường như hiện tại, chưa có gì đảm bảo là các bang chưa tiến hành và các bang đã chuyển sang thời điểm mới có thể tổ chức bầu cử theo kế hoạch.

Nếu như về phía đảng Cộng hòa, tại thời điểm này, ông Donald Trump đã giành đủ số đại biểu cam kết và chỉ cần chờ tới thời điểm tổ chức đại hội đảng để chính thức trở thành ứng cử viên cuối cùng tham gia cuộc đua với đối thủ bên phía đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11.

Về mặt lý thuyết, đảng Cộng hòa có thể không cần phải tổ chức bầu cử sơ bộ ở những bang còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế đảng Cộng hòa vẫn cần tổ chức để lựa chọn đủ số đại biểu cam kết còn lại tham dự đại hội đảng sắp tới. Đối với cá nhân Tổng thống Donald Trump, đây chính là cơ hội để thuyết phục những cử tri độc lập và cử tri còn do dự ủng hộ mình trong cuộc bầu cử tháng 11, và cũng chính là dịp giúp ông gia tăng số tiền trong quỹ vận động tranh cử.

Trong khi đó, đảng Dân chủ nhất định phải tổ chức bầu cử sơ bộ tại các bang và vùng lãnh thổ còn lại. Bởi vì, đến thời điểm này, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang giành được 1.165 đại biểu cam kết và Thượng nghị sĩ Berni Sanders có 879 đại biểu.

Để trở thành ứng cử viên cuối cùng của đảng Dân chủ, ông Biden hoặc ông Sanders cần giành được tối thiểu 1.991/3.979 đại biểu cam kết. Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, ban lãnh đạo Đảng ở các bang, vùng lãnh thổ, cùng cá nhân hai ứng cử viên Biden và Sanders đang sử dụng các giải pháp thay thế, trong đó có tổ chức vận động tranh cử, tranh luận trực tuyến, và tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại qua đường bưu điện nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 đối với hai ứng cử viên, nhân viên bầu cử và cử tri. Tuy vậy, cả hai lựa chọn chính này cũng đang gặp những trở ngại nhất định.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) phát sóng sáng 27/3, ông Sanders thừa nhận rất khó “đánh bại” ông Biden để giành suất đề cử cuối cùng của đảng Dân chủ. Thượng nghị sĩ Sanders cho biết, ban vận động tranh cử của mình đang đánh giá tình hình xem ông hiện ở vị trí nào.

Theo ông Sanders: “Tình hình thay đổi mỗi ngày bởi vì các cuộc bầu cử đang bị trì hoãn. Do đó ông Sanders và nhóm vận động tranh cử của mình sẽ tổ chức một chiến dịch vận động trực tuyến nếu cử tri mong muốn, nhưng ngay lúc này, họ đang tập trung vào cuộc khủng kinh tế và chăm sóc sức khỏe mà đất nước hiện phải đối mặt”.

Về phía cựu Phó Tổng thống Biden, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Mỹ, ban vận động tranh cử đã phải gấp rút thiết lập một studio tại nhà riêng ở bang Delaware để ông có thể tổ chức họp báo và vận động tranh cử trực tuyến hàng ngày.

Tại cuộc họp báo hôm 25/3, trước câu hỏi đảng Dân chủ có nên tổ chức thêm các vòng tranh luận tiếp theo hay không, ông Biden nói rằng hiện đã có đủ các cuộc tranh luận. Ứng cử viên Biden cũng cho biết trọng tâm của ông hiện chỉ là giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang xảy ra tại Mỹ.

Ban đầu, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ dự định tổ chức 12 vòng tranh luận cho các ứng cử viên và đến nay đã thực hiện được 11 vòng. Hiện Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng là liệu có tổ chức vòng tranh luận còn lại, dự kiến diễn ra trong tháng 4 hay không.

Liên quan tới cách thức tổ chức bầu cử, các bang cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu qua thiết bị di động, trong đó bỏ phiếu qua đường bưu điện được xem là phương án khả dĩ nhất nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Hình thức bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư đã trở nên phổ biến, nhưng việc chuyển toàn bộ phiếu bầu sang hệ thống bưu chính sẽ gây tốn kém và rất dễ xảy ra tình trạng bỏ phiếu hộ, hoặc thậm chí có cả gian lận.

Để khắc phục tình trạng này, tuần trước, các quan chức bầu cử cấp bang và chính quyền địa phương đã tổ chức các hội nghị trực tuyến với Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan khác, thảo luận những trở ngại về mặt hậu cần, tài chính và pháp lý trong quá trình thực hiện sáng kiến bỏ phiếu qua đường bưu điện trên diện rộng.

Tuy nhiên, bà Wendy Weiser, Phó Chủ tịch Trung tâm Pháp lý Brennan thuộc Trường Luật, Đại học New York, cho rằng hạ tầng cơ sở bầu cử của Mỹ hiện chưa sẵn sàng cho việc gia tăng mạnh mẽ hình thức bỏ phiếu bằng thư. Đây là điều phải lường trước được và chấp nhận.

Đại dịch Covid-19 không chỉ đang ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử sơ bộ, mà thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Đầu tuần này, có thông tin cho rằng do đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đã khiến ủy ban được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội đảng Dân chủ, dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 16/6 tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, phải cân nhắc các phương án lựa chọn dự phòng khẩn cấp.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Truyền hình Fox News tối 26/3, Tổng thống Donanld Trump tuyên bố đảng Cộng hòa sẽ tổ chức đại hội toàn quốc từ ngày 24 đến 27/8 tại thành phố Charlotte, bang North Carolina. Tuyên bố là vậy, nhưng hiện chưa có gì đảm bảo sự kiện quan trọng đó có thể diễn ra như mong muốn của ông Trump./.